A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đình Thúy Lĩnh và Lễ hội vật cầu độc đáo

 

Đình Thúy Lĩnh thuộc địa phận phố Thúy Lĩnh phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Từ cầu Mai Động, đi  hết đường Lĩnh Nam, qua đê sông Hồng theo dọc phố Thúy Lĩnh ta sẽ gặp Đình Thúy Lĩnh uy nghi tọa lạc trên nền đất cao, có kết cấu kiến trúc chữ Tam, bao gồm các hạng mục công trình chính tiền tế, đại bái và hậu cung. Ngoài ra, còn có các công trình phụ trợ khác như nghi môn, tả hữu mạc với hệ thống sân, vườn tạo không gian kiến trúc hoàn chỉnh. Từ xa xưa, địa danh Thúy Lĩnh còn gọi là Thúy Ái. Trước đây, vùng đất bồi ven sông Hồng này nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Sau này, nghề cũ mai một, nhưng đình Thúy Lĩnh và lễ hội vật cầu truyền thống vẫn còn tồn tại và được lưu giữ như một nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng quê này.

 

 

Cổng đình Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

 

Đình Thúy Lĩnh thờ Linh Lang Đại Vương, tên thật là hoàng tử Lý Hoàng Chân, thân mẫu là Hạo Nương cung phi thứ 9 của vua Lý Thánh Tông. Hoàng tử Lý Hoàng Chân đã có công tham gia xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt chống quân xâm lược Tống dưới cờ chỉ huy của Thái úy Lý Thường Kiệt. Do có công với nước, hoàng tử Lý Hoàng Chân được phong thánh hiệu Linh Lang Đại vương Thượng đẳng Phúc thần. Khi ngài hóa thân, nhân dân Thúy Lĩnh tôn làm Thành hoàng. Tại đình Thúy lĩnh còn lưu giữ hai câu đối ghi nhận công lao của Hoàng tử Lý Hoàng Chân:

Sinh vị tướng, hóa vị thần, uy vũ Nam bang đệ nhất

Công tại Triều, danh tại sử, lưu truyền Bắc hải vô song .  

 

 

Bức tranh gốm sứ tại đình Thúy Lĩnh mô phỏng Lễ hội vật cầu truyền thống.

 

Đình Thúy Lĩnh là một không gian văn hóa truyền thống lâu đời cần được các thế hệ gìn giữ và bảo tồn. Đình được xây dựng từ thời Lê Cảnh Hưng và được công nhận di tích quốc gia năm 1993. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (2010), Đình Thúy Lĩnh được trùng tu và mở rộng với khuôn viên hơn 5.000 mét vuông gồm cả khu đình thờ, sân tế, sân  tổ chức lễ hội và hồ Thủy đình.

 

Hằng năm, Lễ hội vật cầu truyền thống được nhân dân phường Lĩnh Nam  tổ chức từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 6 Tết hằng năm. Vật cầu là môn thể thao rèn luyện cả trí và lực, lại mang tính hợp đồng mưu lược rất rõ. Trước kia, vật cầu chia về các giáp (xóm) trong làng, bao giờ cũng có kèm múa võ, múa kiếm và múa lân. Vật cầu là môn thể thao rèn luyện trí lực nên có đầy đủ nội dung phù hợp với các lứa tuổi khác nhau, từ thiếu nhi cho đến các cụ cao tuổi trong làng. Tuy nhiên, trai tráng vẫn chiếm phần nhiều, các phần thi của họ bao giờ cũng được quan tâm đặc biệt. Tham gia vật cầu có bốn đội canh bốn hố. Cầu được làm bằng gỗ mít tiện tròn.

 

Sau khi có hiệu lệnh của trọng tài, bốn đội cùng trổ tài cướp cầu mang về hố của mình. Mỗi một lần mang được cầu về hố sẽ nhận được một giải con, ba lần liên tiếp có giải con là được giải cái (cầu không được ra đường biên, không bị đội bạn mang về hố khác). Theo lệ xưa, đội chiến thắng trong trận cầu không chỉ được tôn vinh, mà còn được người làng chúc phúc cho cả năm được may mắn và hạnh phúc. Sân vật cầu được đào sẵn 5 hố, 1 hố ở giữa để đặt cầu khi vào trận đấu, 4 hố ở 4 góc tương ứng với 4 đội. Cứ 2 người một đội đưa cầu vào hố của đội mình 3 lần liên tiếp thì chiến thắng. Trang phục thi đấu là quần trắng và đai màu, cùng một đội thì có đai màu giống nhau Cầu thường được làm bằng gỗ mít tròn có cân nặng khoảng hơn 25 kg. Đây là môn thể thao rèn luyện cả trí lực lẫn thể lực rất rõ ràng vì mỗi đội không những cần sức mạnh sức bền mà còn cần chiến thuật và sự hợp tác của đồng đội mình để giành chiến thắng cuối cùng.

 

Đồng chí Lê Minh Xương, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 10, phường Lĩnh Nam cho biết: Nhân dân Thúy Lĩnh luôn tưởng nhớ công lao đánh giặc giữ nước của tổ tiên ta. Từ năm 2013, Lễ hội vật cầu truyền thống làng Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam đã được nâng lên thành Giải Vật cầu cấp quận.

 

Đình Thúy Lĩnh và Lễ hội vật cầu là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng thể hiện tinh thần thượng võ của nhân dân phường Lĩnh Nam, đồng thời, là hương vị Tết cổ truyền sôi động và độc đáo cần được lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, 8 đạo sắc phong của các triều đại qua thời gian và sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã mục nát cần được các cấp quan tâm phục dựng để lưu giữ vốn văn hóa truyền thống cho muôn đời sau.

 

Quang Nguyên

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ