Điểm nhấn văn hóa Sài Sơn
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi tới thăm Bảo tàng Mỹ thuật của nữ họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội). Đây là một trong những bảo tàng mỹ thuật tư nhân đầu tiên của Việt Nam (thành lập năm 2006), đang lưu giữ nhiều tác phẩm hội họa và cổ vật quý giá.
Chùa Thầy, nơi phong cảnh hữu tình.
Tiếp chúng tôi, họa sỹ Phan Thị Ngọc Mỹ cho biết, chị vừa kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Bảo tàng tại nơi mình sinh ra. Rót ly trà thơm mời khách, chị tâm sự: “Tôi bắt đầu sưu tập tranh từ năm 1988, nhưng phải đến năm 2006, tôi mới thành lập bảo tàng gắn với tên mình. Trước đó, Cục Di sản Văn hoá, Sở Văn hoá-Thông tin Hà Tây, Bảo tàng Hà Tây, Phòng Văn hoá-Thông tin huyện Quốc Oai đã cử các cán bộ chuyên trách về đây để nghiên cứu, tìm hiểu bộ sưu tập mỹ thuật của tôi, rồi đưa ra kết luận: Bộ sưu tập có đầy đủ điều kiện và yếu tố về vật chất và tinh thần để phát triển thành một “Nhà bảo tàng”. Và tôi đã dành hết tâm huyết, tiền của để biến không gian sống của mình ở quê thành một địa chỉ văn hóa, một bảo tàng mỹ thuật. Với mong muốn những giá trị nghệ thuật mà tôi tích lũy gần nửa đời người, đến được với nhiều người”.
Họa sỹ Phan Thị Ngọc Mỹ giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật tại Bảo tàng.
Trong khuôn viên gần 1.000 m2, Bảo tàng Mỹ thuật của chị được xây dựng với 3 tầng để trưng bày tranh và hiện vật. Các tác phẩm, vật dụng đều được họa sĩ lưu trữ, bảo quản và trưng bày theo quy cách của Ngành Bảo tàng. Hiện nay, Bảo tàng có gần 800 tác phẩm hội họa và thư pháp, 500 cổ vật, hiện vật với chất liệu chủ yếu là sành, gốm, thêm một số chế tác từ đồng, đá, gỗ, giấy…
Đặc biệt, đồ gia dụng được trưng bày là những vật dụng đã gắn liền với đời sống của các gia đình quanh vùng núi Sài Sơn. Trong bộ sưu tập tranh của chị có nhiều tác phẩm hội họa giá trị mà tác giả của nó thuộc bốn thế hệ họa sĩ Việt Nam. Đến xem Bảo tàng, người ta có thể tìm thấy nét mộc mạc, cổ xưa của phố phường Hà Nội qua nhiều bức họa của Bùi Xuân Phái, hay những nét tả thực về cuộc sống chiến đấu của người Vệ Quốc quân qua tranh của Lê Huy Hòa và rất nhiều bức họa khác gắn với những tên tuổi của làng hội họa Việt Nam qua nhiều thời kỳ …
Ngoài các tác phẩm sưu tập, một phần quan trọng không thể không nhắc tới trong Bảo tàng là những bức tranh do chính chị sáng tác. Với phong cách hiện thực mới mẻ, chị đã làm say lòng người thưởng thức qua khung cảnh sinh hoạt nông thôn bình dị nhưng nặng chất trữ tình như các tác phẩm: “Chùa Thầy”; “Ao làng”; “Mùa hoa gạo”… Bên cạnh đó là mảng tranh sáng tác về Hà Nội như “Hoa lộc vừng”, “Bên hồ Hoàn Kiếm”, “Xác máy bay B52”… là những đề tài không mới, nhưng bằng tình yêu Hà Nội, bằng sự quan sát tinh tế, đậm chất nữ tính, Hà Nội trong tranh của chị nhẹ nhàng, thi vị và rất giàu cảm xúc.
Bên cạnh khu trưng bày, họa sỹ Phan Thị Ngọc Mỹ còn có một không gian riêng dành cho công việc sáng tác và tiếp chuyện đồng nghiệp, các văn nghệ sĩ. Một phòng thờ dòng họ Phan Huy danh tiếng với những tên tuổi Phan Huy Chú, Phan Huy Ích, Phan Huy Vịnh… được bài trí trang trọng, cho biết một cách rất tế nhị chị là con gái của dòng họ, đang lặng lẽ nối tiếp sự nghiệp tổ tiên. Đó là sự cống hiến cho quê hương, đất nước mà việc xây dựng một bảo tàng tư nhân của chị không vì mục đích lợi nhuận, phục vụ hoàn toàn miễn phí khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và nghiên cứu, càng không phải vì sự độc đáo, tiếng tăm.
Chị nói rằng, trong suốt 10 năm hoạt động, Bảo tàng luôn lắng nghe ý kiến góp ý của khách đến thăm, nhờ đó chị đã thường xuyên đầu tư, đổi mới và nâng cao các hình thức trưng bày. Trong thời gian tới, chị sẽ có hướng mở rộng nội dung trưng bày, giới thiệu các tinh hoa mỹ thuật thế giới. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng chị luôn tin tưởng với sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước và các doanh nhân, chắc chắn phần trưng bày này sẽ được thực hiện.
Giữa một vùng núi non “sơn thủy, hữu tình” của đất Chùa Thầy, vốn đã là một điểm du lịch lịch sử, cách mạng và danh thắng nổi tiếng của cả nước, Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ chỉ như một nét chấm phá nhỏ nhoi, nhưng với cái tài, cái tâm của người nghệ sĩ, đây sẽ là điểm nhấn khó quên nếu ai đến thăm Sài Sơn. Trong một tương lai gần, khi Sài Sơn được đầu tư, phát triển thành một vùng du lịch sinh thái, tâm linh quy mô lớn, hy vọng Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ sẽ làm giàu thêm bản sắc văn hóa của vùng quê Sài Sơn tươi đẹp.
Hữu Thu