A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Di tích lịch sử văn hóa đình Cổ Hiền

 

Đình Cổ Hiền được biết đến không chỉ là Di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, đây còn là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, hội họp của Hội Người cao tuổi và dân làng. Tương truyền, từ thế kỷ X, tưởng nhớ công lao to lớn của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, nhân dân lập đình thờ phụng, truy tôn ông làm Thành hoàng làng với tên gọi: Độc Nhĩ Đại vương Thượng đẳng thần tại thôn Cổ Hiền (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội).

 

 

Cổng làng Cổ Hiền.

 

Đình Cổ Hiền nằm  trên địa bàn trung tâm khu dân cư, tọa trên khu đất gò cao ráo, vùng đất gắn liền với  những việc làm uy vũ khác thường nổi tiếng một thời của  Tướng quân  Đỗ Cảnh Thạc trong  công cuộc chống quân Nam Hán. Nơi đây, gắn liền với những kỳ tích của một sứ quân xây dựng đồn ấp, bảo  vệ dân làng chống giặc dã, chống trộm cướp,  tổ chức  sản xuất và phát triển kinh tế  trong thời kỳ đất nước ta gặp loạn 12 sứ quân. Đình  được xây dựng theo tâm nguyện và sự phát tâm công đức của dân làng. Hàng năm, vào ngày hội làng, ngày lễ, tuần tiết, nhân dân thường xuyên hương khói, tổ chức thờ phụng Thành hoàng với những nghi thức rất trang trọng. Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, văn hóa văn nghệ.

 

Ngôi đình quay mặt về hướng Nam Tây Nam, với kết cấu kiểu chữ Nhị (=), có nhà Tiền tế  và Hậu cung. Nhà Tiền tế được đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, bờ cháy đắp theo kiểu chữ đinh, bốn mái đao cong theo kiểu kiến trúc cung đình. Tòa Tiền tế được chia thành ba gian hai dĩ, kiến  trúc kiểu “giá chiêng, kẻ chuyền” với kết cấu chịu tải toàn bộ sức nặng của mái. Hậu cung đình, nơi đạt bài vị thờ Thành hoàng Đỗ Cảnh Thạc, được trạm khắc tinh xảo, mái phủ ngói ri theo kiến trúc truyền thống tạo sự uy nghiêm cho khu di tích. Hiện, đình Cổ Hiển còn lưu giữ một số hiện vật như sắc phong niên đại Khải Định thứ 9 (1925), hạc đồng,  đỉnh đồng, đồ thờ tự khác và hệ thống câu đối ca ngợi đức độ công lao của vị Thành hoàng làng.

 

Đình Cổ Hiền vừa được tu bổ, tôn tạo di tích với số kinh phí hơn 10 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ và nhân dân cúng tiến. Đây là hoạt động bảo tồn  văn hóa của bà con Cổ Hiền và xã Tuyết Nghĩa chung tay xây dựng quê hương, xây dựng Làng văn hóa, nếp sống văn hóa mới. Các ông bà vẫn thường kể lại trận đánh của dân quân Cổ Hiền, Độ Lân (tháng 10/1950) phối hợp với dân quân xã Liệp Tuyết đánh úp giặc Pháp tại bến Chùa Úp tiêu diệt hơn chục tên giặc. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Tuyết Nghĩa luôn khéo léo kết hợp giữa giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng; tinh thần yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Các đoàn thể: Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Lực lượng Dân quân tự vệ xã luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới ở Tuyết Nghĩa.

 

Đinh Xuân Hoàng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ