A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ hội Gò Đônga Đa: Tưởng nhớ công lao Hoàng đế Quang Trung

 

Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dũng mãnh, dưới sự chỉ huy của người Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc, mãnh liệt, đánh bại 20 vạn quân Thanh xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

 

 

Lễ hội Gò Đống Đa.

 

Trận đánh diễn ra trong 5 ngày đêm liên tục và kết thúc thắng lợi, Kinh thành Thăng Long được giải phóng, đất nước trở lại thanh bình, không còn bóng quân xâm lược. Người Việt Nam vẫn thường gọi chiến thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu là chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, bởi chính mảnh đất Đống Đa đã chứng kiến trận "rồng lửa" tiêu diệt quân Mãn Thanh, mãi mãi là niềm tự hào của người dân Việt Nam, đi vào lịch sử của dân tộc ta như một bản Anh hùng ca bất hủ trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.

 

 

Thanh niên quận Đống Đa hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc.

 

Hàng năm, cứ mỗi độ Xuân về, vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, tại Công viên Văn hóa Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội, Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (còn gọi là lễ hội Gò Đống Đa) được tổ chức. Đây chính là dịp để mỗi người dân được trải nghiệm không khí hào hùng của một trong những chiến công hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của người Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

 

Bà Nguyễn Thanh Lương, Trưởng ban quản lý Công viên Văn hóa Đống Đa cho biết: Lễ hội Gò Đống Đa được coi là hoạt động mở đầu cho chuỗi lễ hội lớn đầu Xuân trên địa bàn Thủ đô. Nếu kỷ niệm năm chẵn thì Thành phố sẽ đứng ra tổ chức Lễ hội, còn các năm thông thường thì giao cho quận Đống Đa tổ chức. Chính hội là ngày mùng 5 Tết, bắt đầu từ 6 giờ và kết thúc và 15 giờ. Chương trình lễ hội bao gồm rất nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương, lễ rước kiệu, múa rồng; biểu diễn nghệ thuật dân tộc; các trò chơi dân gian... với sự tham gia của nhiều đoàn tế lễ, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và đông đảo quần chúng nhân dân Thủ đô Hà Nội và các địa phương lân cận.

 

Công viên văn hóa Đống Đa nằm trong khu đất rộng hơn 22.000m2, với hạng mục chính là Đền thờ Hoàng đế Quang Trung gắn kết với các hạng mục tiêu biểu khác tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tâm linh, xứng tầm với vị thế khu di tích. Tọa lạc ở trung tâm Công viên là 2 bức phù điêu dài 47m, được tạo bởi 152 phiến đá xanh nguyên khối. Phía sau là Đền thờ Hoàng đế Quang Trung được xây dựng hình chữ nhị, rộng 300m2. Tầng hầm phía dưới Đền thờ là Nhà trưng bày các hiện vật mô phỏng về thời Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung với chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lịch sử. Phòng trưng bày có sa bàn mô tả trận đánh quyết định giải phóng Kinh thành Thăng Long, trận Ngọc Hồi-Đống Đa ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, cùng với các hiện vật, các tài liệu, hình ảnh... giúp nhân dân và khách tham quan tìm hiểu sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung và phong trào Tây Sơn.

 

Anh Mai Xuân Thành, nhân viên Ban quản lý Công viên văn hóa Đống Đa cho biết: Ngoài nhiệm vụ chính là đón tiếp các đoàn khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Công viên còn là nơi tập trung các hoạt động văn hóa, thể thao và các hoạt động xã hội khác của quận Đống Đa. Hàng năm, quận đều tổ chức các hoạt động trước và trong Lễ giao nhận quân tại công viên, như để nhắc nhở thế hệ thanh niên của quận về truyền thống Anh hùng của dân tộc, qua đó cũng là để các cấp, các ngành và nhân dân địa phương cùng chung sức thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương.

 

Từ năm 1926, gò Đống Đa được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Năm 1990 Công viên văn hóa Đống Đa được thành lập và từ đó đến nay, các công trình ở Gò Đống Đa lần lượt được trùng tu, tôn tạo, xây dựng kiên cố, khang trang và các hoạt động văn hóa, thể thao, tâm linh được phát triển. Ngày càng có nhiều người, nhất là các nhà nghiên cứu, du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu lịch sử ở Gò Đống Đa. Đặc biệt mỗi dịp Tết đến, Xuân về đi dự Lễ hội Gò Đống Đa đối với người Hà Nội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu.

 

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ