A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn lịch sử

 

Trong khách sạn Sofitel Legend Metropole (Hà Nội) có một căn hầm tồn tại trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đó là căn hầm phòng không được khôi phục lại và trở thành một điểm hấp dẫn du khách với các chứng tích lịch sử cùng những câu chuyện ít người biết đến...

 

 

 

Đường xuống căn hầm trong khách sạn Sofitel Legend Metropole.

 

Chúng tôi tới đây vào một ngày đầu tháng 10, với sự giới thiệu và hướng dẫn tận tình, chu đáo của Lê Phương Ly, Phòng Truyền thông của khách sạn, câu chuyện về căn hầm hình thành dần...

Theo những tài liệu còn ghi lại, căn hầm được xây dựng năm 1964, dùng làm nơi trú ẩn cho du khách nghỉ tại khách sạn trong suốt những năm bom đạn, thời kỳ chống Mỹ.

Tạp chí Life danh tiếng, xuất bản ngày 7-4-1967 miêu tả, Metropole Hà Nội ngày ấy là một khách sạn nằm trong khu vực chiến tranh. Họ đăng hình ảnh một dãy hầm cá nhân phòng không sâu tới một mét rưỡi, ngay dọc vỉa hè phía ngoài khách sạn, nay là quán cà phê La Terrasse mặt phố Lê Phụng Hiểu. Những hầm cá nhân đó riêng rẽ không thông với căn hầm của khách sạn, tái hiện một phần cuộc sống của người dân thành phố trong thời gian bị máy bay Mỹ oanh tạc.

 

Chúng tôi xuống căn hầm trong khách sạn, ở độ sâu gần 3m, có tổng diện tích là 38,92m2, được thiết kế theo lối kiến trúc zích - zắc với 2 cầu thang, chia thành 8 ngăn, gồm 4 ngăn có cửa, 2 ngăn thông nhau, 2 phòng chờ có cửa. Bên trên còn có 4 ổ cắm điện, 6 công tắc, 2 cầu dao, 12 đèn chiếu sáng. Hầm có hệ thống thông hơi bảo đảm có đủ không khí cho 40 khách trú bom. Những gì còn lại của căn hầm vẫn được giữ nguyên vẹn với thái độ trân trọng lịch sử. Khi tận mắt thấy những mảng tường mốc thếch, những viên gạch mang dấu ấn  thời gian, cánh cửa sắt hoen gỉ, cửa gỗ mục nước, chiếc bóng đèn cũ, chai dầu còn gần một nửa cùng chai rượu cũ bám đầy bùn đất... Và khi nghe Phương Ly kể về những nỗ lực, tâm huyết và quyết tâm của ông Kai Speth, Tổng Giám đốc quyết định cho khai thác, phục hồi nguyên trạng căn hầm, đã cho chúng tôi sự xúc động sâu sắc.

 

Theo lời kể thì ông dám chấp nhận những thử thách về bảo đảm hoạt động của khách sạn và việc khai thác căn hầm... Thể hiện quyết tâm của mình, đích thân ông xúc những xẻng đất đầu tiên mở đầu cho quá trình khai thác căn hầm. Sự trân trọng quá khứ, bằng việc làm cụ thể, ông Kai Speth đã truyền cho những nhân viên tình yêu và lòng trân trọng những gì đã và đang thuộc về Metropole Hà Nội.

Điều đó thật đáng trân trọng vì căn hầm đã có một lịch sử của nó, mà nay chúng ta có thể “đọc” được qua những điều mà nhân chứng đã ghi lại. Họ là những khách từng ở khách sạn trong những ngày khói lửa đó.

Trong trang nhật ký Hà Nội của Nhà báo người Philippines Gemma Cruz Araneta ghi lại: “Ngày 24 tháng 5 năm 1968, thứ 6 lúc 12h30: Tôi thức giấc vì tiếng súng cao xạ từ xa vọng tới... Khi tôi nhìn qua cửa sổ, tưởng chừng như nhìn thấy những tia sáng lóe lên giận dữ...

 

2h30, còi báo động rú lên-báo động máy bay địch! Hệ thống điện đột ngột tắt và tôi nghe rõ tiếng gõ cửa dồn dập. Ngay tập tức tôi thu xếp các đĩa phim và các bài báo chạy xuống hầm tránh bom...Hầm của khách sạn là căn phòng bê tông dài và hẹp, nơi mà tôi tưởng có thể dựng thành một vũ trường sành điệu. Căn phòng có những chiếc ghế gỗ màu xanh lá cây xếp cạnh nhau. Mặc dù không có điện nhưng tôi vẫn thấy một chiếc quạt máy. Thật tình, người Việt Nam là những vị chủ nhà ân cần và chu đáo. Các nhân viên của khách sạn đi tuần quanh khách sạn, tay ôm súng, đầu đội mũ bảo hộ, họ cố gắng thuyết phục các khách xuống nơi trú ẩn...”.

 

Người khác kể: Những năm 1970, Khách sạn Metropole còn mang tên Khách sạn Thống Nhất, là nơi thường trú của phóng viên nhiều tờ báo quốc tế, trong đó có Báo Akahata (Đảng Cộng sản Nhật Bản), Báo L'Humanite (Đảng Cộng sản Pháp), Đài Truyền hình Việt Nam...Từ phòng 25 đến phòng 39 của khách sạn được dành riêng làm văn phòng của Ủy ban liên lạc văn hóa nước ngoài. Khách sạn đã được đón cả Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới trong một sự kiện quan trọng.

 

Căn hầm được hoàn thành khôi phục và mở cửa cho khách tham quan vào tháng 5-2012. Cho đến nay căn hầm là một phần lịch sử của khách sạn, nằm trong Chương trình Con đường lịch sử giới thiệu về Khách sạn Metropole nói riêng và lịch sử Hà Nội nói chung. Một vinh dự đặc biệt là, ngày 14-10-2013 khách sạn được Unesco vinh danh với “Giải thưởng bảo tồn di sản văn hóa 2013”.

 

DUY MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ