A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về nơi phát sóng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

 

Theo Quốc lộ 6, chúng tôi đến xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, nơi đây được biết đến với nghề điêu khắc đá và địa danh nổi tiếng, ngôi chùa mang tên “Tử Trầm Sơn” hay còn được gọi là “Chùa Trầm”, nơi mà cách đây 70 năm, vào sáng ngày 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

   

 

Chùa Trầm, nơi phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

 

Bên tượng đài tưởng niệm những năm kháng chiến chống Pháp ngay dưới chân chùa Trầm, chúng tôi may mắn gặp cụ Nguyễn Văn Củng, năm nay đã 85 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phụng Châu, đồng thời cũng là một cán bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cụ cho biết: Chùa Trầm được núi Trầm bao bọc, có hang động kỳ vĩ. Đài Tiếng nói Việt Nam đã chọn sơ tán về đây làm việc từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947. Đặc biệt đêm 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ. Sáng 20/12/1946, từ chùa Trầm, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” chống thực dân Pháp xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn văn Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đã vang truyền trong cả nước và đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam như một lời hiệu triệu “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

 

Đồng thời trong cuốn lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Phụng Châu còn ghi rõ: Cùng với nhân dân cả nước thực hiện “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ, ngay từ đầu của cuộc kháng chiến, mọi hoạt động của nhân dân các thôn trong xã Phụng Châu đã khẩn trương, sôi động theo tinh thần “Ai cũng ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Trong hai tháng đầu của cuộc kháng chiến, địa bàn xã Phụng Châu trong đó có chùa Trầm là căn cứ quan trọng để Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục truyền tin với đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân và dân quân du kích xã Phụng Châu đã tích cực tiêu thổ kháng chiến. Tiêu biểu như ngày 04/3/1947, bộ binh cơ giới địch vượt sông Đáy đánh vào xã Phụng Châu. Lực lượng dân quân xã đã đoàn kết anh dũng tiêu diệt gọn địch, góp phần vào trong chiến thắng chung của quân, dân cả nước.

 

Ngày nay, mặc dù đã trải qua 70 năm nhưng những dấu tích về những năm kháng chiến vẫn còn in đậm lại nơi đây. Chùa Trầm trở thành khu di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi danh lam thắng cảnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị truyền thống của cha ông ta một thời. Tiếp nối những giá trị truyền thống đó, ngày nay Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Phụng Châu không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, mỗi năm tăng từ 6 đến 8%, sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi luôn được duy trì cho năng suất, sản lượng cao; nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đang phát triển với nhiều làng nghề như: Nghề điêu khắc đá, nghề mây tre giang đan, dệt len phát triển, giá trị tiểu thủ công nghiệp ước đạt 47 tỷ đồng/năm. Đời sống nhân dân được nâng cao, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Đó là cơ sở để công tác quốc phòng, quân sự địa phương của xã hằng năm luôn đạt kết quả tốt: Tham gia huấn luyện cho dân quân theo đúng chương trình kế hoạch, qua kiểm tra 100% đạt yêu cầu trong đó có 70% khá, giỏi; Thực hiện tốt đăng ký nam công dân đủ tuổi 17, tổ chức giao quân hàng năm hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao.

 

Văn Đạt


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ