A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vãn du Làng Văn hóa

 

Buổi sáng, trời lâm thâm mưa. Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nằm ở địa bàn Đồng Mô, Sơn Tây được phủ bởi màn sương mờ ảo. Từ đầu Đại lộ Thăng Long, chúng tôi phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ chạy xe mới đến được khu Làng Văn hóa, nơi tụ hội 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Nói như nhiều người thì đây là “Mái nhà chung” của dân tộc Việt Nam. Nơi đây cho chúng ta cảm nhận chung nhất về một dân tộc Việt Nam với đậm đà bản sắc. Dù khác nhau về ngôn ngữ, trang phục, cuộc sống sinh hoạt, lao động hằng ngày, song lại chung một dòng máu, một truyền thống lịch sử cha ông…

 

 

Người Gia-rai tổ chức Lễ tạ ơn tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

 

Làng Văn hóa các dân tộc được xây dựng trên diện tích đất có đồi cao, thung lũng, mặt nước, địa hình phong phú, thể hiện sự phân bố các làng dân tộc trải rộng trên mọi miền đất nước. Với tôi, đây là lần đầu tiên đến Làng Văn hóa các dân tộc và không khỏi ngợp mình trước những nét văn hóa vô cùng đặc sắc, những điều mà trước đây tôi chỉ được biết qua phim ảnh, sách báo.

 

Tổng quan về việc phân bố lãnh thổ trên thực tế và ở Làng Văn hóa không có sự khác nhau nhiều, được chia làm bốn cụm. Ở cụm các Làng dân tộc Một gồm các công trình văn hóa và cảnh quan đặc trưng của 28 dân tộc vùng rẻo cao, thung lũng, trung du thuộc các vùng văn hóa Việt Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ với hệ ngôn ngữ Tày-Thái, Tạng-Miến, Mông-Dao, Việt- Mường, Ka-Đai. Đến cụm các Làng dân tộc Hai thể hiện các công trình văn hóa và cảnh quan 18 dân tộc vùng cao nguyên, đồi núi thuộc các dân tộc vùng văn hóa Bắc Trung Bộ, Trường Sơn, Tây Nguyên với hệ ngôn ngữ Môn-Khơ Me, Nam Đảo. Trong cụm Ba lại thể hiện các dân tộc Chăm, Khơme, Chơ ro, Chu Ru, các dân tộc cư trú ở các vùng có cảnh quan bán sơn địa, cao nguyên, đồi núi, triền sông (vùng văn hóa Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ) với hệ ngôn ngữ Môn-Khơ Me và Nam Đảo. Đặc biệt ở cụm các Làng dân tộc Bốn là các công trình văn hóa và cảnh quan 4 dân tộc đa văn hóa, cư trú ở nhiều vùng như bán sơn địa, đồi núi, đồng bằng, duyên hải, triền sông, thị trấn, thị tứ thuộc nhiều vùng văn hóa khác nhau như Kinh, Hoa, Ngái, Sán Dìu với hệ ngôn ngữ Hán, Việt-Mường.

 

Khoảng 9 giờ sáng, mặt trời le lói, sương tan. Trên con đường đá răm lẹt xẹt dưới chân, tôi rẽ vào Khu làng Một. Được chứng kiến hai cộng đồng dân tộc đến từ tỉnh Đăk Lăk là đồng bào Mnông Gar và đồng bào Ê Đê tổ chức lễ kết nghĩa anh em với nhau, với mong muốn mọi người cùng chung sống chan hòa thân thiết, gắn bó với nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn, vươn lên xây dựng buôn làng ấm no, giàu đẹp… Tôi thầm nghĩ, ở đâu trên dải đất hình chữ S này, hễ là người Việt Nam đều chảy chung một dòng máu, thì tinh thần dân tộc, tương thân, tương ái sẽ không phai mờ.

 

Tôi tìm đến khu Hai, nơi có làng người Khơ me sinh sống. Ở đây có chùa, có dân với hoạt động đặc trưng. Khu chùa rộng khoảng 0,8 ha, lấy chính điện làm trung tâm, các công trình khác được bố trí xung quanh và liên kết với nhau bằng đường nội bộ. Ngoài ra, Khu còn có hệ thống các đường dạo len lỏi giữa vườn cây. Cảnh sắc hài hòa, ai cũng muốn chụp lại thật nhiều những bức ảnh để làm kỷ niệm.

 

Song, có lẽ đặc sắc và ấn tượng nhất đối với tôi đó là được xem lễ hội của người Ka-tê được diễn ra tại Khu Ba. Đây là lễ hội lớn nhất của đồng bào Chăm, được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 lịch Chăm, tức là khoảng 25-9 đến 5-10 dương lịch để tưởng nhớ các vị nam thần như Pô Klong Garai, Pô Pôme... Lễ hội mang nhiều yếu tố đối lập của cấu trúc lưỡng hợp: Màu sắc, nghi lễ, hội hè như đực-cái, ngày-đêm, sáng-tối. Tất cả đều thể hiện ước vọng phồn thực trong sự liên kết lứa đôi, cầu mong cho sự sinh sôi nảy nở của con người, vật nuôi và mùa màng tươi tốt của người Chăm. Tôi cứ lãng mạn, vô tư mà chứng kiến, rồi lại tưởng tượng mình đang sống ở giữa đồng bào người Chăm, như một cô gái người Chăm...

 

Trong không gian “ấm cúng” của đại gia đình các dân tộc tụ hội ở mái nhà chung này, lòng tôi như lắng lại, cảm giác nhẹ nhàng lạ thường. Chắc chắn không chỉ riêng tôi, sẽ có nhiều người dân Hà Nội đang chuẩn bị “bộ hành” đến đây.

Tôi bước ra ngoài, bóng chiều đã ngả, đất trời Hà Nội đang hối hả vào đêm.

 

DUY MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ