A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cựu chiến binh-Thầy thuốc hết lòng với bệnh nhân

 

Tôi cầm trên tay cuốn sổ lưu bút dày hơn 100 trang khổ A4 ghi lại những lời cảm ơn của các bệnh nhân được lương y Đào Việt Kế chữa khỏi bệnh hiểm nghèo. Có cả những lời đầy nước mắt của các bệnh nhân đã cận kề với lưỡi hái của tử thần được ông Kế cứu sống. Sự hiếu kỳ và lòng ngưỡng mộ đã đưa tôi tìm đến gặp vị lương y cả đời tâm huyết với đạo đức nghề nghiệp. Đó là Cựu  chiến  binh (CCB), thương binh Đào Việt Kế  ở thôn Đào Xá, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên-người cán bộ quân y đã đi suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc, hết lòng với thương, bệnh binh. Nay trở về với đời thường, ông đã giành lại sự sống cho nhiều người. Đầu năm 2016, ông Kế vinh dự được nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

 

 

Ông Kế bấm huyệt cho bệnh nhân khi mới nghỉ chế độ.

 

Đón tiếp tôi với nụ cười cởi mở, thân thiện, trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 80, ông Kế khiêm tốn nói: “Có gì to tát đâu chị? Xã hội phân công mỗi người một nhiệm vụ. Tôi cũng chỉ là một trong hàng vạn người lính hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân”.

 

Ông Đào Việt Kế sinh năm 1936. Năm 1951, khi mới 15 tuổi ông đã tham gia vào du kích, hăng hái xông pha vào những cuộc phá Tề, diệt bốt, bảo vệ quê hương. Năm 1954, khi hòa bình lập lại, ông xây dựng gia đình với người đồng chí đã từng lăn lộn cùng ông trong phong trào du kích, bà Đào Thị Lộc-người phụ nữ đầu tiên của huyện Phú Xuyên làm Trưởng thôn suốt 17 năm (từ năm 1980-1997).

 

Năm 1959, ông Kế từ biệt người vợ trẻ và đứa con trai đầu lòng chưa đầy 1 tuổi, lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ông được điều động vào Sư đoàn 308. Cuối năm 1959, ông Kế được cấp trên điều động đi học lớp Quân y ở Bệnh viện Sư đoàn 308. Ông nghẹn ngào kể: “Bài giảng đầu tiên cũng là bài học theo tôi suốt cuộc đời là bài giảng của Chính trị viên Nguyễn Văn Ngần: Lương y như từ mẫu. Đó cũng là lời dạy của Bác Hồ: Thầy thuốc phải kiêm nhiệm vụ của mẹ hiền. Phải coi bệnh nhân như con của mình thì mới hết lòng phục vụ. Khi học xong tôi được về bệnh xá trung đoàn chữa bệnh cho thương, bệnh binh. Trong thâm tâm tôi nghĩ đó không chỉ là đồng đội mà luôn nghĩ tôi đang giành lại sự sống cho chính con mình. Tôi đã khóc rất nhiều khi nhận những bệnh binh nặng và thức suốt đêm để an ủi, vỗ về, động viên họ”.

 

Sau 3 năm phục vụ chiến trường, ông Kế được cấp trên chuyển về Quân y viện 354 (phố Đốc Ngữ - Hà Nội) công tác. Thấy ông Kế là người có nhiều triển vọng, tâm huyết với nghề, năm 1964 đến năm 1966, cấp trên cho đi học tiếp lớp đào tạo Y-Bác sỹ của Cục Quân y. Ông Kế tốt nghiệp loại giỏi, được Quân Y viện 354 xin về công tác tiếp. Nhưng ông Kế tình nguyện ra chiến trường. Ông xung phong vào đơn vị đặc biệt sang giúp nước bạn Lào. Suốt 10 năm sát cánh chiến đấu cùng các bạn Lào, ông bị thương trong một lần xả thân vào trận địa cứu thương. Trong những lần hành quân qua những cánh rừng trụi lá vì chất độc Dioxin, ông cùng đồng đội đã bị nhiễm chất độc nặng. Nhiều khi cả người ông tím đen lại, sức khỏe của ông giảm sút trầm trọng.

 

Năm 1974 ông được cấp trên gọi về Việt Nam và công tác tại Đoàn an dưỡng 587 tại thị xã Sơn Tây. Cũng năm đó, gia cảnh nhà ông lâm vào cảnh khó khăn: Bố đẻ của ông bệnh nặng bị mù mắt. Cậu con trai út của ông bị nhiễm chất độc Dioxin từ ông. Cháu chỉ có 1 tay, còn tay phải thì hình thù loằn ngoằn như con rắn. Ông rất buồn và xin cấp trên về nghỉ chế độ để chăm sóc gia đình. Hành trang ông mang về là những tấm huân, huy chương hạng Nhất, nhiều giấy chứng nhận liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua của đơn vị, và giấy chứng nhận thương tật, giấy xác nhận nhiễm chất độc hóa học. Hơn tất cả là một cuốn sổ dày ghi chép những kinh nghiệm sơ, cấp cứu bệnh binh và nhân dân ở các chiến trường.

 

Người chiến sĩ quân y Đào Việt Kế trở về quê làm thầy thuốc chữa bệnh cho mọi người. Cũng từ đây công việc cứu người của ông bước sang trang mới: Dùng y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền, “Khí công dưỡng sinh” và “Trường sinh học-Nhân điện”. Với phương pháp điều trị kết hợp: Bấm huyệt, châm cứu trước, sau đó mới dùng thuốc tiêm, thuốc uống, ông đã chữa được nhiều bệnh nhân tai biến về tim mạch, bệnh viêm thần kinh, viêm đường hô hấp, suy hô hấp, liệt hô hấp, bệnh về bộ tiêu hóa, hệ tiết niệu, phụ khoa, đặc biệt là những bệnh về mắt…

 

Cảm động trường hợp của bệnh nhân Vũ Xuân Hùng (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên). Anh Hùng đã lên viện Mắt Trung ương khám bệnh. Mắt trái thị lực chỉ còn 1/10. Kết quả siêu âm cho biết: anh Hùng bị Viêm bồ đào nặng, dịch kính vẩn đục nặng, phù võng mạc. Qua 4 lần lên bệnh viện điều trị, khám lại thì thị lực vẫn chỉ đạt 4/10. Mắt anh đau, mờ, yếu, nhìn tivi bị hoa, nhìn ra ngoài trời chỉ thấy các chấm đen nhỏ như muỗi bay. Được người mách, anh Hùng đã vào nhờ ông Kế chữa bằng phương pháp bấm huyệt. Chỉ qua 5 ngày anh Hùng đã xem được tivi. Đến ngày thứ 10 anh Hùng đi kiểm tra thị lực đã đạt 8,5/10. 9 năm sau ngày ông Kế chữa bệnh, anh Hùng đến cảm ơn ông Kế và nói: “9 năm rồi mà mắt cháu vẫn tinh tường, không hề có dấu hiệu bị bệnh lại”.

 

Nhiều bệnh nhân sau khi được ông Kế chữa khỏi bệnh hiểm nghèo đã khẩn khoản xin ông Kế nhận làm con, như chị Bùi Thị Chung, Lưu Thu Phương. Nói về y thuật của lương y Đỗ Việt Kế, Tiến sỹ-Bác sỹ Mai Viết Hùng (số 2 Ngô Thị Nhậm) đã phát biểu: “Hiện nay thế giới đang hướng đến một cái đích: Không cần dùng thuốc mà vẫn đem lại hiệu quả chữa bệnh cho con người. Đồng chí Kế đang thực hiện được nhiệm vụ đó. Đồng chí đã làm được nhiều việc mà những thầy thuốc khác chưa làm được…”.

 

Ông Kế rưng rưng nói với tôi: “Nghề nhân đạo nhất trên đời là nghề cứu người. Nghề vô nhân đạo nhất trên đời là nghề y thiếu Đức. Thời gian gần đây tôi thấy sức khỏe yếu đi không còn nhiều năng lượng để bấm huyệt. Tôi sẽ không vì uy tín của mình mà tiếp tục chữa bệnh. Hàng ngày bệnh nhân vẫn tìm đến tôi rất đông nhưng tôi chỉ hướng dẫn cách xoa bóp và mách phương thuốc chữa bệnh. Nhưng tôi hứa, nếu còn sức khỏe, còn chiến đấu để giành lại sự sống cho người bệnh, nhưng nếu không còn sức để phục vụ tôi sẽ nghỉ và sẽ làm lương y tư vấn miễn phí, như từ trước tới nay tôi cứu người không phải vì tiền”…

 

Mong rằng, nếu vì điều kiện sức khỏe, ông Kế không chữa bệnh cho nhân dân nữa, nhưng gian nhà nhỏ của ông sẽ là nơi truyền lại những kinh nghiệm, những bài học quý báu về y học cổ truyền cho thế hệ sau. Những người sẽ nối tiếp làm cho phương pháp chữa bệnh bằng châm cứu, bấm huyệt tỏa sáng để người Việt Nam luôn khỏe mạnh bằng chính cây thuốc trên đất Việt, và chính bàn tay của người Việt.

 

Phạm Thị Dần


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ