A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vượt lên số phận, giúp đỡ những mảnh đời khuyết tật

 

Trong buổi mít tinh kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2016) do Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nội tổ chức, tôi may mắn được nghe anh Nguyễn Hồng Hà, Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Hoài Đức, thế hệ thứ hai nhiễm chất độc da cam/dioxin phát biểu. Quả thực khi nghe xong, điều mà tôi thốt lên đó là: Thật cảm phục!

 

 

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, anh bị di chứng bại liệt từ khi 2 tuổi do bị ảnh hưởng của cha-người lính từ chiến trường trở về mang theo mình chất độc da cam. Khi ấy, sau một trận sốt bất ngờ, đôi chân của anh dần dần bị teo đi nhưng anh vẫn từng bước trưởng thành bằng tình yêu thương của gia đình. Những năm tháng tiểu học, rồi phổ thông, anh gặp rất nhiều khó khăn, song với sự quyết tâm “không lùi bước trước mọi thử thách”, năm 2000 anh đã vượt lên chính mình, thi đỗ vào khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Anh tâm sự: “Ước mơ của tôi khi ấy chỉ là học để trở thành người có ích”.

 

Năm 2004, tốt nghiệp Đại học và đi làm được hơn 1 năm, anh mạnh dạn đề xuất với gia đình ý tưởng mở Xưởng may dành cho những người nghèo, đặt biệt là những người khuyết tật trong xã. Mặc dù bố mẹ đồng tình nhưng vẫn băn khoăn vì đó là hướng đi không mới. Song anh nghĩ: Nhiều người bước đi trên một con đường, song đi như thế nào cho vững chắc mới là điều quan trọng. Từ quyết tâm đó, gia đình đã cho đất để làm nhà xưởng và tạo mọi điều kiện để anh toại nguyện ước mơ.

 

Vừa làm vừa học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, trung bình Công ty của anh giải quyết việc làm cho khoảng 30 người, trong đó có tới 50% là khuyết tật (lương trung bình từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng) nhưng trong thời gian cao điểm, Xưởng sản xuất lên tới 50 công nhân. Do luôn năng động, tích cực tìm đối tác nên nguồn hàng của anh làm đến đâu, tiêu thụ đến đó, đồng thời cũng là động lực giúp công nhân phấn khởi, hăng say lao động.

 

Anh Nguyễn Hoàng Hà cho biết: “Năm 2009, tôi được biết đến Hội chữ thập đỏ huyện Hoài Đức, một địa chỉ đỏ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Tại đây, tôi đã đề xuất với Hội những ý tưởng táo bạo là mở Xưởng may gia công, dạy nghề cho người khuyết tật và đã được sự đồng tình ủng hộ. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các đồng chí trong Hội, tôi đã có một cơ sở may gia công có uy tín trên thị trường”.

 

Năm 2010, cơ sở của anh được cấp kinh phí dạy nghề cho người khuyết tật và hợp tác với Trường cao đẳng Nghề Bách Khoa, đây là mô hình mới, thực hiện thành công lớp dạy nghề may công nghiệp cho 25 người tàn tật trên địa bàn huyện. Chỉ sau 4 tháng, các em đã có một tay nghề thực thụ, tự tạo cho mình việc làm ổn định.

 

Với trăn trở, làm sao để cuộc sống của người khuyết tật ngày càng được quan tâm hơn, anh cùng các anh em có cùng cảnh ngộ tại địa phương, vận động các cấp chính quyền thành lập Hội người khuyết tật huyện. Tháng 10/2009, UBND Thành phố đã ký quyết định cho phép thành lập Hội và anh là Chủ tịch. Trên cương vị của mình, anh luôn dốc tâm, sức từng bước đưa Hội phát triển, qua đó giúp đỡ được nhiều người khuyết tật biết chữ, được học nghề, có việc làm thu nhập, vượt qua tật nguyền, sống có ích cho xã hội. Ghi nhận những đóng góp của anh, tháng 10/2010, anh được trên tín nhiệm là Phó chủ tịch Thường trực Hội thanh niên khuyết tật thành phố Hà Nội. Năm 2011, Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Hoài Đức đã ra quyết định thành lập Chi hội Người khuyết tật huyện, hỗ trợ hơn nữa những nạn nhân ảnh hưởng chất độc da cam là hội viên.

 

Trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, anh luôn thấu hiểu những khó khăn của người khuyết tật và luôn mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho những cảnh đời bất hạnh. Cũng năm 2012, Công ty của anh được công nhận là đơn vị sản xuất kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật (với tỷ lệ 58,5% lao động là người khuyết tật), được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm. Đây là một cơ hội mở ra để anh tự tin hoà nhập, tiếp tục sự nghiệp và hoài bão của mình. Với những đóng góp đó, năm 2013, anh đã được vinh dự là đại diện cho người khuyết tật Hà Nội dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu trên toàn quốc lần thứ IV, được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội; tháng 8/2015, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có những đóng góp với việc hỗ trợ người khuyết tật.

 

Hiền Mĩ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ