A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Hương ước” Hà Nội

 

Vậy là Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị hành chính TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng trên địa bàn TP Hà Nội đã được trình các cơ quan chức năng TP Hà Nội xem xét, phê duyệt. Dự kiến, đầu năm 2017, hai bộ quy tắc này sẽ được ban hành và triển khai rộng rãi, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính là đối tượng tiên phong, gương mẫu thực hiện. Đây được xem như bản “hương ước” có tính nguyên tắc, buộc mọi người phải thực hiện.

 

 

Vẻ đẹp Hà Nội.

 

Nhớ “hương ước” Hà Nội xưa

Những tài liệu cũ ghi rằng, “hương ước” là quy ước của làng xã ngày xưa, nó thể hiện cho lệ làng. Lệ làng do các thành viên trong làng xã quy ước với nhau, nhưng phải phù hợp và bổ sung cho phép nước trong hoàn cảnh cụ thể của từng làng xã. Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến, nhiều khi “phép vua thua lệ làng”, bởi vì “quan xa không bằng bản nha ở gần”.

 

Một bản hương ước ngắn thì khoảng 12 điều, dài khoảng 300 điều và có thể khái quát thành 7 nội dung, gồm sản xuất lao động; trật tự trị an, bảo vệ làng xóm; giao thông vận tải, đi lại, đường sá; khuyến học, khuyến khích người tài; thờ cúng, tâm linh, tôn giáo; quan hệ ứng xử liên quan đến tập tục, chủ yếu là hiếu hỷ; và cuối cùng là những biện pháp duy trì hương ước. Trong đó, biện pháp duy trì hương ước là điều quan trọng nhất. Thường có 5 biện pháp, nhẹ nhất là trừng phạt về kinh tế như phạt tiền; thứ hai là, bắt lao động công ích, bắt đi quét đình, đắp đường; thứ ba là, hạn chế quyền lợi về chính trị-xã hội như tẩy chay không cho vào đình, không cho tham dự việc làng mấy năm và làng không tham gia vào công việc của người vi phạm như cưới con không ai đến, bố mẹ mất không ai khênh; thứ tư là, tẩy chay đuổi ra khỏi làng; thứ năm là, thề thốt trước thần linh.

 

Có thể kể đến hương ước làng Ngọc Hà, Điều 27 ghi rõ: Gặp lúc cần cấp như nước lớn, đê sạt hoặc lửa cháy nhà nào, hoặc trộm cướp nhà nào, trừ ra những người 60 tuổi và người yếu, còn người lành nghe hiệu thì phải lập tức đến cứu. Nếu ai biếng nhác không đến, hội đồng xét thực, phạt từ 0,2-0,5 quan tiền. Xét gian lận, Điều 94: Những điều mà đã có lệnh cấm như rượu lậu, thuốc phiện, mở sòng bạc và bài lá lấy hồ thì hội đồng phải khám xét luôn trong làng để trừ gian lậu. Hay sự giáo dục, Điều thứ 100: Dạy trẻ con có học thức phổ thông là nghĩa vụ người làm phụ huynh, không ai được trừ. Làng mở một trường học để dạy trẻ trong làng. Điều thứ 102: Trẻ em trong làng, đúng tám tuổi phải đi học cả.

 

Như vậy có thể thấy, hương ước xưa đề cập nhiều vấn đề cộng đồng dân cư đa dạng và phong phú: “... Trật tự an ninh ở làng xã là những điều khoản được đề cập cụ thể. Phần lớn việc canh giữ xóm làng, bảo vệ đê điều, cầu cống... đều có sự phân công rõ ràng, quy định bằng mệnh lệnh và có thưởng phạt nghiêm minh. Vệ sinh đường thôn ngõ xóm, việc toàn dân phải tuân theo mệnh lệnh không được vứt đồ dùng của người chết ra đường, sông, hồ ao. Không được chôn xác động vật vào nghĩa địa, không được phóng uế bừa bãi".

 

Linh hoạt trong triển khai

Bộ quy tắc ứng xử không có chế tài xử lý nên cách triển khai được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nghiên cứu kỹ lưỡng. Phương thức triển khai của bộ quy tắc là tuyên truyền, giáo dục một cách có hệ thống và áp dụng trên tất cả các lĩnh vực để mọi người cùng hiểu, cùng thực hiện. Trước mắt, cơ quan văn hóa sẽ triển khai thí điểm tại 1-2 địa điểm ở mỗi khu vực, đảm bảo các nơi thí điểm phải có tính điển hình và sẽ tổ chức rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, các địa phương nhân rộng để bộ quy tắc có thể “ngấm” được vào cuộc sống.

 

Dựa trên bộ khung mà Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng, các khu vực, cơ quan, đơn vị sẽ tự xây dựng cho mình những tiêu chuẩn riêng để phù hợp với đặc thù của từng nơi. Các đơn vị quản lý phải thực hiện đăng ký, sau đó tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, nhân viên (đối với cơ quan, đơn vị) hoặc hướng dẫn người dân (đối với các điểm công cộng) cùng thực hiện. Chính người quản lý đơn vị phải chịu trách nhiệm về những nội dung đã đăng ký với cơ quan chức năng.

 

Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân khẳng định: “Trong một xã hội hiện đại cần phải có quy tắc ứng xử làm chuẩn mực để mọi người hướng tới. Đối với chợ Đồng Xuân, nơi có số lượng người kinh doanh lớn nên rất cần có những quy tắc ứng xử cho phù hợp với văn minh thương mại. Chúng tôi mong muốn sớm có bộ quy tắc ứng xử, khi đó chúng tôi sẽ tiếp nhận, tích cực tuyên truyền đến người kinh doanh”.

 

Thiết nghĩ, bộ quy tắc ứng xử không thể thay thế cho quy chế, quy tắc, nội quy của những nơi công cộng, của các cơ quan, đơn vị mà nó chỉ có giá trị định hướng cho mọi người thực hiện theo đúng quy chế, nội quy. Hay nói cách khác, bộ quy chế chính là lời khuyên dành cho mọi người về cách ứng xử văn minh.

 

DUY MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ