A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cây gạo già bến quê

 

Bến sông quê tôi có cây gạo già, người làng thường gọi là cây “phúc lộc”. Các cụ bảo cây gạo có dễ gần hai trăm tuổi, bởi tất cả các cụ cao tuổi trong làng bây giờ chỉ biết khi mình lớn lên đã thấy cây gạo sừng sững đầu làng, bên con sông chảy hiền hoà. Thân cây xù xì, gai góc, cành vươn xa sẵn sàng đón gió bão, hứng nắng, gội mưa. Gốc gạo già cổ thụ trở nên thân thuộc bao đời. “Tháng Một rét đài/ tháng Hai rét lộc”, cây gạo đứng một mình tím tái triền sông. Những hôm gió lùa hun hút chiều Đông, cành gạo gầy lay lắt, lá rụng tả tơi. Mùa Xuân về, gạo đâm chồi, nảy lộc, chờ tháng Ba, sau cái rét nàng Bân, khi tiếng sấm đầu Hè nổi lên, sau nỗi buồn mỗi lần giáp hạt, bao lần chút đắng cay để thắp lên những chùm hoa đỏ rực trời. Đàn sáo lại ùa về vô tư nô đùa, tìm hoa hút mật, những cánh hoa màu đỏ rắc xuống bến sông khoả nỗi ưu tư. Bao năm tôi bôn ba, vẳng lời mẹ ru “Bao giờ cho đến tháng Ba/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”.

 

 

Chiều nay con trở về quê, tìm chốn cũ dừng chân. Dưới gốc gạo già bến quê lòng con thổn thức. Một miền kỷ niệm ùa về nôn nao… Dưới gốc gạo già, mẹ tiễn cha con đi đánh Pháp, rồi tiễn con đi đánh Mỹ. Cha nằm lại ở chiến trường, con trở lại quê hương. Cây gạo già bến quê còn đó, nay người còn, người khuất, ngồi dưới gốc gạo già thấy lòng mình xót xa, cay đắng, buồn vui… Bên gốc gạo già, dòng sông quê nước trong veo, đau đáu một miền kỷ niệm tuổi ấu thơ tràn về. Những buổi để trâu tung tăng gặm cỏ triền đê, hai đứa nhặt hoa gạo xâu vào thành vòng hoa đỏ tươi đội lên đầu giả làm cô dâu. Má em ửng hồng duyên đến tận bây giờ.

 

Xao xuyến màu hoa gạo đỏ in vào lưng núi, làn khói lam chiều mơn man giăng mắc gọi đêm về. Ngày Cách mạng Tháng Tám, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên ngọn cây gạo gọi mùa hạnh phúc lại trở về với quê hương. Bóng hình cây gạo, một bức tranh quê, như tấm áo mẹ tảo tần, nhuộm màu thời gian cứ hiện về. Gốc gạo già vẫn uy nghi, phơi gan cùng tuế nguyệt, nở bao mùa hoa đỏ rồi lại trút xuống dòng sông, như dân làng tôi đổ bao nhiêu máu đỏ, để giữ gìn quê hương đất nước yên bình. Bao gian lao, khổ hạnh của mẹ đã thấm vào lòng đất, ngấm vào gốc gạo già bến quê. Nước mắt mẹ thấm đượm trong màu hoa gạo đỏ rực để cháy hết mình đón mùa Hè rực lửa.

 

Cây gạo già bến quê hiên ngang, ngát hương chiều đồng nội. Trong hơi thở của gốc gạo già bến quê, con nghe trong gió thổi lời mẹ hiền đưa nôi: “À ơi, cái ngủ mày ngủ cho ngoan, cha còn đánh giặc đường xa chưa về…”. Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về quê hương, nhớ gốc gạo già bến quê nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

 

Minh Nguyệt


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ