A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ xạ thủ Đặng Thị Thùy Hương

 

Tôi hẹn gặp Trung uý QNCN Đặng Thị Thuỳ Hương, Y tá Tiểu đoàn Quân y 24, Sư đoàn Bộ binh 301 vào một buổi chiều đầu Xuân. Trước khi trực tiếp gặp, tôi đã một vài lần nghe tên của Hương, bởi cô không chỉ là một y tá chu đáo, tận tình với người bệnh mà còn là nữ xạ thủ có tiếng của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

 

 

Trò chuyện tôi được biết, Hương bắt đầu gắn bó với quân đội từ năm 2007 với vai trò nhân viên nấu ăn của Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301. Là người có trách nhiệm với công việc, luôn hoà nhã với mọi người-một đức tính rất phù hợp đối với y tá nên sau một năm công tác, đơn vị đã tạo điều kiện để Hương theo học Lớp Sơ cấp Quân y (6 tháng) tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

 

Hương tâm sự: “Kết thúc khoá học, tôi được về công tác tại Tiểu đoàn Quân y 24, Sư đoàn Bộ binh 301. Nếu chỉ chăm sóc, cấp phát thuốc thông thường cho các bệnh nhân thì không có vấn đề gì nhưng khi các y, bác sỹ của đơn vị đi vắng, chỉ có một mình tiếp nhận bệnh nhân thì lượng kiến thức học được trong 6 tháng chưa đủ để có thể thăm khám ban đầu, hoặc giúp đỡ bệnh nhân một cách hiệu quả. Đây cũng là khó khăn với tôi”. Vì vậy, Hương luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm từ cấp trên, đồng chí, đồng đội và tới thời điểm này “tôi có thể xử trí bước đầu trong các trường hợp cần kíp”, Hương hồ hởi.

 

Tạm gác công việc chuyên môn, khi tôi hỏi: Là một y tá nhưng hiện nay không chỉ tôi mà nhiều người trong Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đều nhớ đến tên Đặng Thị Thuỳ Hương với tư cách “nữ xạ thủ”. Vậy tại sao lại có cơ duyên đó? Cười rất tươi, Hương kể: “Cách đây mấy năm trước, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội yêu cầu nữ quân nhân tại các đơn vị tham gia Hội thao ở môn bắn súng ngắn. Nói thật trước đó, tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có khả năng ở nội dung này. Nhưng qua các lần tập luyện và bắn đạn thật tại đơn vị, không ngờ số điểm của tôi tương đối cao và cơ duyên gắn với tôi từ đó”.

 

Cho tới thời điểm này, Hương “bỏ túi” kha khá phần thưởng ở nội dung này, đó là: 2 lần giải Nhất và 2 lần giải Nhì cá nhân bắn súng ngắn tại Hội thao cấp Bộ Tư lệnh. Đặc biệt, năm 2016, Hương cùng đội tuyển (gồm 5 đồng chí) còn mang về cho Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội 2 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng tại Hội thao bắn súng quân dụng quân đội và dân quân tự vệ toàn quân. Chính những thành quả đó đã góp phần không nhỏ để Hương đạt danh hiệu “Chiến sỹ Thi đua cơ sở” và danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2016 của thành phố Hà Nội.

Tất nhiên để có được thành quả đó, ngoài năng khiếu vốn có, Hương còn phải trải qua sự luyện tập kiên trì, bền bỉ và rất vất vả như: Thường xuyên phải chống đẩy (có những ngày tới 100 lần); chạy dài từ 3.000-5.000 mét, nâng gạch; động viên chồng thay mình chăm sóc con trong suốt 4 tháng tập luyện tập trung tại thao trường.

 

Hương bộc bạch: “Trung bình mỗi tuần, tôi phải trực 2-3 buổi tại đơn vị nhưng khi tập luyện đội tuyển, tôi phải ở tập trung và thường xuyên di chuyển các địa điểm như Yên Sở, Miếu Môn, chỉ cuối tuần mới được về với gia đình. Đây cũng là khó khăn không nhỏ nhưng cũng may được chồng động viên và tạo mọi điều kiện để vợ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”.

Nghe Hương trò chuyện, tôi nhận thấy một điều, không phải chỉ những người lính mới vất vả mà hậu phương của họ cũng đang thầm lặng hi sinh những lợi ích cá nhân. Nhưng họ có sự yêu thương, sẻ chia và cùng nhau “sống vì mọi người” để dệt nên “gia đình ấm áp”.

 

Trần Hiền


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ