A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trước ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội

 

QPTĐ-Trong những ngày tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang ở Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức và lực lượng. Đây chính là lực lượng nòng cốt để nhân dân Thủ đô vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

 

 

Đại hội đại biểu Quốc dân họp ở Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

ngày 16/8/1945 nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng.

Ảnh: tư liệu

 

Bước sang năm 1945, những điều kiện tích cực cho một cao trào khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước đang đến gần. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Trên cơ sở bản Chỉ thị của Trung ương Đảng và xác định Hà Nội là địa bàn đặc biệt quan trọng, Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng quân sự chuẩn bị khởi nghĩa, đồng thời phát động nhiều phong trào đấu tranh để rèn luyện, tập dượt quần chúng. 


Tháng 8 năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến thuận lợi, tạo thời cơ cho nhân dân ta nổi dậy đập tan gông xiềng nô lệ, giành độc lập, tự do. Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật và đội quân Quan Đông nhanh chóng bị đập tan. Ngày 15-8, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Ở Hà Nội, các nơi Nhật đóng quân đều treo cờ tang. Chúng cho rút quân ở nhiều xí nghiệp, công sở về các doanh trại. 


Lực lượng cách mạng, dưới ngọn cờ đoàn kết của Mặt trận Việt Minh do Đảng ta lãnh đạo đã sẵn sàng. Các tổ chức cứu quốc trong công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh… trên địa bàn Hà Nội được thành lập, củng cố. Lực lượng vũ trang Hà Nội đã có bước phát triển nhảy vọt. Riêng lực lượng được huấn luyện có trên 700 người. Những hoạt động ở Hà Nội và các địa phương trên khắp cả nước đã tạo ra khí thế cách mạng, động viên, lôi cuốn đông đảo nhân dân lên trận tuyến đấu tranh trong cao trào tiền khởi nghĩa.


Đêm 13-8, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa.  Ngày 14-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập quyết định khẩn trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai, trước khi quân Đồng minh Anh, Trung Hoa dân quốc vào Việt Nam.


Tối 14 và ngày 15-8, Xứ ủy Bắc kỳ  tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội được cân nhắc kỹ do còn khoảng hơn 1 vạn quân Nhật chiếm đóng trong Thành phố. Xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (Ủy ban Khởi nghĩa) do đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch. 


Tối 15-8, tại chùa Hà (Dịch Vọng), Thành ủy Hà Nội triệu tập Hội nghị quân sự bất thường gồm các đồng chí Đội trưởng Đội công nhân xung phong, Đoàn trưởng Đoàn tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, Đội trưởng các đội tự vệ chiến đấu sơ bộ kiểm điểm tình hình và lực lượng của ta trong Thành phố, ấn định những công việc cấp bách chuẩn bị cho khởi nghĩa.


Sáng 16-8, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp phiên đầu tiên tại số nhà 101 phố Gam-bét-ta (nay là phố Trần Hưng Đạo) nghe đồng chí Nguyễn Khang phổ biến chỉ thị và quyết định của Xứ ủy. Hội nghị kiểm điểm, phân tích tình hình và những hoạt động mới nhất của phát xít Nhật, chính quyền Trần Trọng Kim, của Khâm sai Bắc kỳ và các đảng phái tay sai của Nhật ở Hà Nội và nhận thấy phải cấp tốc tiến tới khởi nghĩa, không thể do dự, chần chừ để mất thời cơ.

 

Hội nghị nhận định, tuy lực lượng vũ trang của ta không nhiều nhưng bù lại, lực lượng quần chúng cách mạng trong các đảng phái, đoàn thể cách mạng của Mặt trận Việt Minh lại rất đông đảo, lên tới hàng nghìn người, có thể huy động để tăng cường cho lực lượng khởi nghĩa. Với tinh thần yêu nước, ý chí giành độc lập cho Tổ quốc, dưới danh nghĩa Mặt trận Việt Minh, ta có thể huy động thêm nhiều quần chúng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị quyết định: Lấy lực lượng vũ trang làm lực lượng xung kích đi đầu, huy động đông đảo lực lượng quần chúng cách mạng có vũ trang, tiến hành mít tinh, biểu tình thị uy, phô trương thanh thế, áp đảo quân địch rồi xông lên giành chính quyền.


Để xúc tiến việc chuẩn bị khởi nghĩa, Hội nghị đã vạch ra một kế hoạch khẩn cấp, trong đó có nội dung: Tăng cường lực lượng vũ trang và nửa vũ trang, phát triển mạnh các đội tự vệ chiến đấu, trang bị thêm vũ khí, chuẩn bị đối phó với quân Nhật.


Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ