A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổn thất nông sản

 

Hầu như ai cũng biết rằng trong quá trình sản xuất, sử dụng nông sản luôn có sự tổn thất vô hình hoặc hữu hình, thường gọi nôm na là “Mất mùa trong nhà”. Theo Tổ chức Hợp phần xử lý sau thu hoạch (thuộc dự án chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp) thì tổn thất sau thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 13,7% tổng sản lượng; Đồng bằng sông Hồng và các khu vực khác là 11,6%. Đối với ngô, mức tổn thất từ 18-19%. Thông thường tổn thất sau thu hoạch đối với các loại quả lên tới hơn 25%, các loại rau hơn 30%... Không chỉ tổn thất về sản lượng, những cây lương thực chủ lực còn tổn thất về chất lượng do bị nấm mốc, mối mọt.

 

 

Thiếu hệ thống bảo quản, chế biến gây tổn thất cho nông sản.

 

Hiện tượng biến chất protein làm thay đổi màu sắc, mùi vị, giảm giá trị dinh dưỡng, nhiều thủy sản đánh bắt bị giảm phẩm cấp... Hệ thống kho dự trữ lương thực, kho lạnh để bảo quản thủy sản, rau quả ở nước ta còn rất thiếu, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm điều kiện kỹ thuật. Thu nhập của nông dân giảm từ 15-30% do sản phẩm không được sơ chế, bảo quản, tiêu thụ kịp thời, do thời tiết, dẫn đến rau quả tổn thất cơ học và hư hỏng cao. Chỉ riêng quá trình bảo quản kém cũng làm chất lượng nông sản giảm 20% giá trị sản phẩm. Bởi vậy có nghịch lý: Nguồn sản phẩm dồi dào, giá trị cao, nhưng do bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế nên chất lượng nông sản vẫn rất thấp, hạn chế khả năng xuất khẩu.

 

Theo các chuyên gia nông nghiệp thì nguyên nhân chính của tình trạng đó là các nhà quản lý, doanh nghiệp và cả nhà nông đều chưa quan tâm đầy đủ. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch chưa được chú trọng, thiếu hệ thống bảo quản chế biến sau thu hoạch thích hợp, tỉ lệ chế biến thấp. Nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ sau thu hoạch chưa đầy đủ. Chưa có sự kết hợp nghiên cứu chiều sâu trước và sau thu hoạch. Chưa đầu tư nghiên cứu giống và công nghệ sau thu hoạch thích hợp. Hệ thống cung ứng còn manh mún, nhỏ lẻ, quá nhiều đầu mối (hầu hết do thương lái điều tiết). Công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm còn yếu.

 

Đáng mừng vì đã có những chuyển biến trong phòng, chống tổn thất nông sản, mà một việc rất thiết thực là ứng dụng khoa học – công nghệ vào khâu bảo quản. Mới đây, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ) triển khai chiếu xạ cho những lô vải thiều đầu tiên đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Australia. Đây là bước tiến lớn trong ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng bảo quản, tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài. Sau quả vải sẽ là các loại quả khác cũng có thể được bảo quản bằng công nghệ này. Việc chiếu xạ tại trung tâm sẽ đáp ứng nhu cầu bảo quản nông sản tại các tỉnh phía Bắc, không phải vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh như trước nữa.

 

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tiếp nhận và chuyển giao tới một số địa phương công nghệ CAS (Hệ thống tế bào còn sống) của Nhật Bản, bảo quản các loại rau quả. Nhờ vậy có thể bảo quản nông sản đông lạnh tươi từ 1 - 2 năm, thậm chí là 10 năm. Đáng nói là  sau khi rã đông, sản phẩm giữ nguyên được chất lượng gần như ban đầu, diệt trừ được vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh.

 

Một số công nghệ bảo quản nông sản khác như bao gói khí điều biến (MAP), chế phẩm tạo màng phủ... nhưng mới chỉ là số ít và lẻ tẻ tại một số địa phương. Việc chuyển giao công nghệ bảo quản  tại các địa phương còn khó khăn do giá thành cao, sản xuất nông sản mang tính mùa vụ, thời gian thu hoạch ngắn. Công nghệ CAS đòi hỏi đầu tư dây chuyền sản xuất ban đầu rất cao, khoảng 30 tỷ đồng. Chưa kể, nếu mất điện thì toàn bộ quy trình sẽ bị hỏng, nên phải đảm bảo nguồn cung ứng điện.

 

Rõ ràng là nhất thiết phải ứng dụng rộng rãi các công nghệ hiện đại trong bảo quản nông sản. Song muốn ứng dụng hiệu quả thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước cùng những giải pháp tăng cường chuyển giao để nhân rộng tới các địa phương, tới nông dân, doanh nghiệp.

 

HOÀNG HƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ