A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trái cây Việt Nam ra thế giới

 

Nhiều loại trái cây khắp các vùng nước ta được bạn bè trên thế giới ưa chuộng. Một số loại đã tới các nước bằng con đường xuất khẩu. Khi mà kết quả xuất khẩu một số nông sản hàng hóa truyền thống không đạt kế hoạch đề ra thì hoa quả đang có bước chuyển mạnh về kim ngạch xuất khẩu.

 

 

Nhiều trái cây của Việt Nam được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. 

                                        

Trong năm nay, xoài và thanh long ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bình Thuận được xuất khẩu sang thị trường Australia, Nhật Bản... Nhiều thị trường có yêu cầu cao về tiêu chuẩn sản phẩm như các quốc gia EU, Mỹ đã và đang mở cửa cho trái cây của ta. Tại thị trường Mỹ, các loại chôm chôm, nhãn, vải thiều... đã được nhập khẩu với số lượng tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng nhãn, trong 6 tháng qua, thị trường này đã nhập 757 tấn, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Nông nghiệp Mỹ đề xuất xin ý kiến công chúng đóng góp, bổ sung và sửa đổi các quy định cho phép nhập khẩu xoài của ta. Như vậy, xoài trở thành loại trái cây thứ 6 của nước ta được Mỹ nhập khẩu từ cuối năm nay. Theo đó, dự kiến hàng năm Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ khoảng 3.000 tấn xoài. Quả vải đã vào thị trường Australia và dự kiến cuối năm nay họ sẽ hoàn tất thủ tục để cho phép nhập khẩu thêm thanh long. Trong các tháng đầu năm nay, thanh long chiếm gần 70% khối lượng trái cây tươi Việt Nam xuất sang các thị trường có yêu cầu cao như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand... Từ nay đến cuối năm, khối lượng thanh long xuất khẩu sang thị trường các nước sẽ tăng mạnh, khi Đài Loan mở cửa trở lại và có khả năng nhập khẩu từ 14.000 - 16.000 tấn/năm.

 

Theo các chuyên gia nông nghiệp thì cùng thời điểm, kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ đạt hơn 1,26 tỉ USD, thấp hơn rau quả khoảng 110 triệu USD. Có khả năng tính cả năm, xuất khẩu rau quả sẽ đạt đến 2,5 tỉ USD, tăng khoảng 650 triệu USD so với năm 2015 và tăng gần 4 lần so với năm 2013.

 

Đương nhiên, các rào cản kỹ thuật như điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm ở nhiều vùng, nhiều nước sẽ tăng lên. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất vì hồ sơ mỗi loại trái cây để được một quốc gia chấp nhận thường mất khoảng thời gian từ 1-4 năm. Nhiều nước nhập khẩu còn đưa ra yêu cầu phải đảm bảo không dịch bệnh, không có thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định. Kiểm soát dịch bệnh trước khi xuất khẩu, trái cây phải được xử lý bằng hơi nước hoặc chiếu xạ. Hiện nay chúng ta đã có các cơ sở chiếu xạ ở cả miền Bắc lẫn miền Nam, có 5 cơ sở xử lý hơi nước nóng công suất lớn đặt tại miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề còn lại là tổ chức kiểm soát, giám sát chặt chẽ các vùng trồng trái cây an toàn và triển khai cấp mã số xác nhận theo vùng.

 

Thực tế cho thấy, một số thị trường khắt khe về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm như Mỹ, New Zealand, Nhật Bản... Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chấp hành nghiêm quy định, đặc biệt là về quản lý chất lượng, dư lượng hóa chất bị cấm... Không để xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng, làm tăng những lô hàng vi phạm, từ đó sẽ bị phạt và hủy hàng ảnh hưởng đến lợi ích chung. Đó lại là một bài toán mà các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hộ nông dân phải cùng nhau tìm ra đáp số chung. Như vậy thì mới hy vọng trái cây của ta có mặt ngày càng rộng khắp, thường xuyên và lâu dài trên khắp thế giới.

 

HOÀNG HƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ