A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn hội nhập quốc tế của Việt Nam trong vai trò gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

QPTĐ-Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Trong suốt 46 năm tham gia Liên hợp quốc là hình ảnh Việt Nam với tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm, kiên trì lập trường nhất quán tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ, giải quyết hòa bình tranh chấp, đồng thời có cách thức giải quyết có lý, có tình, đầy tinh thần trách nhiệm và giàu tính nhân văn.

Những thành công trong tham gia các hoạt động của Liên hợp quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại của Đảng ta, theo đó Việt Nam “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc”, góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển đất nước, đồng thời thể hiện tốt vai trò thành viên có trách nhiệm, tham gia đóng góp vào xây dựng một trật tự thế giới hòa bình, công bằng, dân chủ và tiến bộ.  

Uy tín cao của Việt Nam trong hội nhập quốc tế

Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, uy tín và trách nhiệm cao tại Liên hợp quốc trong những năm qua. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành viên Hội đồng Nhân quyền, tham gia các ủy ban Luật pháp quốc tế, Luật thương mại quốc tế. Việt Nam cũng đã cử nhiều sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021. Bên cạnh đó, Việt Nam giữ chức Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1997, tham gia Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc (1998-2000), hoàn thành trước hạn 5/8 Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG). Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. Tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ năm 2014.

Lực lượng gìn giữ hòa bình góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
                                                                                                                                           Ảnh: Internet

Quá trình đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực, có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một đất nước Việt Nam đổi mới, chuyển mình, từ một nước nhận hỗ trợ trở thành một đối tác quan trọng, đóng góp tích cực tại Liên hợp quốc và trong công việc chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã tham gia cơ chế đa phương có tầm quan trọng hàng đầu này với tâm thế mới, có năng lực, bản lĩnh và bản sắc riêng, có tầm nhìn chiến lược về thế giới và khu vực, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa.

Việt Nam cũng đã đóng góp thiết thực vào công việc chung của Hội đồng Bảo an, tham gia bàn thảo, tìm giải pháp cho tất cả vấn đề trong chương trình nghị sự ở mọi khu vực, từ xung đột tại châu Phi tới khủng hoảng nhân đạo ở Trung Đông, cũng như những chủ đề quan trọng như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, an ninh biển, biến đổi khí hậu, ứng phó đại dịch Covid-19.

Việt Nam đã tạo dấu ấn với cách tiếp cận tổng thể đối với các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, hướng tới người dân, xuất phát từ chính những kinh nghiệm của Việt Nam đã từng trải qua nhiều năm chiến tranh, xung đột. Điều đó được thể hiện qua những sự kiện và văn kiện chúng ta đề xuất với những chủ đề rất có ý nghĩa, xuất phát từ lợi ích của Việt Nam nhưng cũng rất phù hợp với quan tâm và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Tham gia tích cực vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Tham gia tích cực vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, được cả thế giới ghi nhận và đánh giá cao, chính là dấu ấn nổi bật về hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong bối cảnh thế giới, khu vực ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Kỳ họp thứ 10 ngày 13/11/2020. Đây chính là sự khẳng định của đất nước và con người Việt Nam trong tham gia và đóng góp lâu dài cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam vẫn bảo đảm duy trì lực lượng làm nhiệm vụ liên tục tại Nam Sudan, Trung Phi, triển khai các mặt công tác huấn luyện, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng sang địa bàn.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Nam Sudan nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
                                                                                                                                                                                                Ảnh: Internet

Sau gần 10 năm chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã triển khai 520 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại 04 Phái bộ, bao gồm cả Phái bộ huấn luyện của châu Âu tại Trung Phi và Trụ sở Liên hợp quốc. Trong đó, hằng năm duy trì 25 sĩ quan hoạt động độc lập và 247 cán bộ, nhân viên của hai đơn vị (Đội công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2). Tổng thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres đã từng nói rằng, lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc của Việt Nam là một trong những lực lượng tốt nhất thế giới. Đội Công binh số 1 của Việt Nam được triển khai từ tháng 5/2022, sau bảy tháng làm nhiệm vụ, được Chỉ huy Phái bộ đánh giá “làm thay đổi diện mạo của Phái bộ tại khu vực Abyei”.

Các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên hợp quốc, chỉ huy Phái bộ, sĩ quan quân đội các nước và chính quyền nước sở tại đánh giá cao. Việc tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc có nhiều đóng góp vào chiến lược tích cực hội nhập quốc tế và khu vực của Đảng và Nhà nước; tăng cường củng cố đối ngoại quốc phòng và an ninh, nâng cao vị thế đất nước, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng các biện pháp hòa bình trong thời bình.

Song Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ