A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất

 

QPTĐ-Theo quyết định của Hội đồng bầu cử toàn quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức ngày 25-4-1976. Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam; là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây là thành quả vĩ đại của 45 năm nhân dân ta đấu tranh cách mạng không ngừng kể từ khi Đảng ta ra đời, là thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thắng lợi của 30 năm Đảng ta lãnh đạo chính quyền nhân dân, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam dẫn đến sự thống nhất nước nhà, chính thức hóa việc thống nhất Việt Nam. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng sáng tạo của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm vóc một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển với ý chí không gì lay chuyển nổi.

 

 

Biểu quyết thông qua Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại Kỳ họp thứ Nhất,

Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, ngày 2/6/1976. 

Ảnh: Tư liệu


Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử không những đem lại niềm tự hào cho nhân dân cả nước, cho kiều bào ta ở nước ngoài, mà còn có tiếng vang lớn trên thế giới. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chính trị to lớn tiếp theo chiến thắng vĩ đại về quân sự mùa Xuân năm 1975, là thắng lợi của quyền làm chủ đất nước của nhân dân tự mình nắm lấy vận mệnh của mình để xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mình và cho con cháu mai sau. Thắng lợi này đã khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân Việt Nam quyết vượt qua mọi khó khăn trở ngại để xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, tự do, thống nhất, phát triển đất nước, tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.


Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước diễn ta trong điều kiện hoà bình. Xác định cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất lần này quan hệ đến việc thành lập và củng cố Nhà nước, có tác dụng quyết định đối với việc thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Vì vậy, để cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng phải hết sức coi trọng việc lãnh đạo Tổng tuyển cử. Và trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.


Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%. Có nhiều xã, huyện, thị, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu. Ở miền Bắc, tỉnh đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất là Thái Bình đạt 99,93%, tỉnh đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử thấp nhất là Hà Tuyên đạt 98,44%. Ở miền Nam, tỉnh đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất là Gia Lai-Kon Tum đạt 98,99%, tỉnh đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử thấp nhất là Đồng Tháp đạt 96,13%. Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.


Số đại biểu trúng cử ở các tỉnh, thành phố như sau: Thành phố Hà Nội: 22 đại biểu; Thành phố Hồ Chí Minh: 35 đại biểu; thành phố Hải Phòng: 13 đại biểu; tỉnh Lai Châu: 3 đại biểu; tỉnh Sơn La: 4 đại biểu; tỉnh Hoàng Liên Sơn: 7 đại biểu; tỉnh Hà Tuyên: 7 đại biểu; tỉnh Cao Lạng: 9 đại biểu; tỉnh Bắc Thái: 8 đại biểu; tỉnh Quảng Ninh: 8 đại biểu; tỉnh Hà Sơn Bình: 21 đại biểu; tỉnh Hà Bắc: 15 đại biểu; tỉnh Vĩnh Phú: 16 đại biểu; tỉnh Hải Hưng: 20 đại biểu; tỉnh Thái Bình: 15 đại biểu; tỉnh Hà Nam Ninh: 26 đại biểu; tỉnh Thanh Hóa: 23 đại biểu; tỉnh Nghệ Tĩnh: 27 đại biểu; tỉnh Bình Trị Thiên: 19 đại biểu; tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng: 15 đại biểu; tỉnh Nghĩa Bình:18 đại biểu; tỉnh Phú Khánh: 11 đại biểu; tỉnh Gia Lai-Kon Tum: 6 đại biểu; tỉnh Đắk Lắk: 5 đại biểu; tỉnh Lâm Đồng: 4 đại biểu; tỉnh Thuận Hải: 9 đại biểu; tỉnh Đồng Nai: 13 đại biểu; tỉnh Sông Bé: 6 đại biểu; tỉnh Tây Ninh: 6 đại biểu; tỉnh Long An: 8 đại biểu; tỉnh Tiền Giang: 11 đại biểu; tỉnh Bến Tre: 9 đại biểu; tỉnh Cửu Long: 13 đại biểu; tỉnh Đồng Tháp: 10 đại biểu; tỉnh An Giang: 14 đại biểu; tỉnh Hậu Giang:19 đại biểu; tỉnh Kiên Giang: 8 đại biểu; tỉnh Minh Hải: 10 đại biểu.


Trong tổng số 492 đại biểu trúng cử: Công nhân 16,26%; nông dân 20,33%; thợ thủ công 1,22%; cán bộ chính trị 28,66%; quân nhân cách mạng 10,97%; tri thức 18,50%; nhân sĩ dân chủ và tôn giáo 4,06%; đại biểu nữ 26,21%; đại biểu các dân tộc thiểu số 14,28% .


Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Thành phần của đại biểu Quốc hội được cử tri lựa chọn đã phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.


Ngân Mỹ 
(Theo tài liệu Lịch sử Quốc hội Việt Nam)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ