Chiến dịch Hồ Chí Minh-Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng toàn thắng
QPTĐ-17 giờ ngày 26/4/1975, cuộc tiến công Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Ta tập trung lực lượng đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, cắt đứt giao thông thuỷ, bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long và ra biển, khống chế các sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, Trà Nóc, chế áp các trận địa pháo quan trọng, chia cắt không cho các sư đoàn chủ lực địch co cụm về vùng ven và nội đô, xiết chặt vòng vây quanh Sài Gòn, tạo điều kiện cho cuộc tổng tiến công đồng loạt vào các cơ quan đầu não địch.
Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, ngày 30/4/1975.
Ảnh: Tư liệu
Trên hướng Đông và Đông Nam, lực lượng Quân đoàn 4 đánh chiếm chi khu quân sự Trảng Bom. Quân đoàn 2 đánh chiếm chi khu quân sự Long Thành, Trường sĩ quan Thiết giáp của địch ở Nước Trong..., phát triển về hướng Biên Hòa-Nhơn Trạch. Các đơn vị đặc công thọc sâu chiếm cầu Xa Lộ trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Sư đoàn 3-Quân khu 5 đánh chiếm Bà Rịa ở phía Nam, phát triển theo hướng Vũng Tàu. Lực lượng địa phương và du kích đánh chiếm các đồn bốt, quận lỵ, chi khu, giải phóng một phần rộng lớn tỉnh Bà Rịa. Pháo binh chiến dịch ở Hiếu Liêm khống chế, làm tê liệt sân bay Biên Hòa, buộc địch phải di tản máy bay về sân bay Tân Sơn Nhất...
Hướng tiến công chủ yếu Tây Bắc, Quân đoàn 3 đã diệt 11/18 trận địa pháo của địch, cắt đứt Đường 22 và Đường 1, chặn các đơn vị thuộc Sư đoàn 25 địch từ Tây Ninh co về Đồng Dù và bức hàng 1 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 50, quân đội Sài Gòn. Cùng thời gian, lực lượng đặc công và Trung đoàn Gia Định làm chủ tuyến vành đai Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Phước đến Quán Tre, tạo cửa mở qua các vật cản phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất, chuẩn bị cho binh đoàn chủ lực tiến công.
Phối hợp với quân chủ lực, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương trên địa bàn Chiến dịch, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng đã kịp thời nổi dậy giành quyền làm chủ, khiến cho nội bộ chính quyền Sài Gòn lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Chiều ngày 28/4, Tổng thống Trần Văn Hương phải từ chức, Dương Văn Minh lên thay với hy vọng kéo dài sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn. Nhưng vào 16 giờ 25 phút ngày 28/4, ta sử dụng một biên đội không quân gồm 5 máy bay chiến đấu A37 thu được của địch, do biên đội trưởng Nguyễn Thành Trung chỉ huy, cất cánh từ sân bay Thành Sơn ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy nhiều máy bay địch; làm tê liệt cầu hàng không di tản của Mỹ, khiến cho tình hình Sài Gòn càng thêm rối loạn, góp phần làm suy sụp tinh thần, đẩy nhanh quá trình tan rã của chế độ Sài Gòn.
5 giờ sáng 29/4, các cánh quân của ta được lệnh tổng công kích đồng loạt trên toàn mặt trận, tiếp tục ngăn chặn và tiêu diệt các lực lượng chủ lực chủ yếu của địch ở vòng ngoài, đồng thời phát triển thọc sâu, phối hợp với các lực lượng tại chỗ đánh chiếm những địa bàn quan trọng ở vùng ven, chuẩn bị tiến công vào nội đô.
Trong ngày 29/4, mặc dù địch chống cự quyết liệt trên các hướng, nhất là hướng Đông và Đông Nam, nhưng với sức mạnh áp đảo và cách đánh hiệp đồng quân binh chủng, các cánh quân ta đã thực hiện ngăn chặn, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn lực lượng chủ yếu của địch ở vòng ngoài, mở thông cửa cho các binh đoàn chủ lực thọc sâu của ta trên hai hướng Tây Bắc và Tây Nam. Lực lượng vũ trang địa phương và lực lượng an ninh cùng quần chúng cách mạng tại chỗ kịp thời nổi dậy, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ, thực hiện truy quét tàn binh địch; đồng thời chuẩn bị người và phương tiện sẵn sàng hỗ trợ, dẫn đường cho chủ lực tiến vào Thành phố.
Trước tình hình nguy cấp, Tổng thống Mỹ Giêrôn Pho buộc phải ra lệnh thực hiện Chiến dịch Gió Lớn, di tản gấp bằng máy bay trực thăng hàng ngàn người, trong đó có nhiều người Mỹ, kể cả đại sứ Matin ở Sài Gòn ra các tàu sân bay Mỹ đang đậu ở ngoài khơi. Nắm chắc tình hình địch đang hoảng loạn và tan rã, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định chớp thời cơ, tiếp tục phát triển tiến công vào nội đô theo kế hoạch, tập trung lực lượng đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Sài Gòn.
Sáng 30/4, toàn bộ các cánh quân lớn của ta đồng loạt tổng công kích vào nội đô Sài Gòn, bỏ qua các vị trí không quan trọng, đồng thời sử dụng sức mạnh pháo binh, xe tăng, đập tan các cụm phòng ngự của địch trên đường tiến quân, phối hợp với các lực lượng biệt động, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu then chốt như Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Biệt khu Thủ đô, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh Sài Gòn... Trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, lúc 9 giờ 30 phút, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố trên Đài phát thanh Sài Gòn, kêu gọi đơn phương ngừng bắn để bàn giao chính quyền. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các cánh quân ta tiếp tục tiến công theo kế hoạch, nhằm giải tán chính quyền và đập tan triệt để mọi sự chống cự của địch.
10 giờ 45 phút ngày 30/4, đại đội xe tăng của Quân đoàn 2 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy dẫn đầu đội hình đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thành Hữu