“Điều may mắn nhất trong cuộc đời là được gặp Bác”
QPTĐ-5 lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ” gồm: 2 lần “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe tăng”, “Dũng sĩ diệt máy bay” và “Dũng sĩ Quyết thắng”; cùng với đó là 12 huân, huy chương các loại là những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng cựu chiến binh Lưu Vân Trường. Động lực thôi thúc ông nỗ lực, phấn đấu, vượt qua những thời điểm khó khăn nhất trong chiến đấu là luôn ghi nhớ lời căn dặn của Bác.

Mặc dù đã ở tuổi 90 nhưng mỗi lần nhắc đến những câu chuyện, ký ức của bản thân khi tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đặc biệt là vinh dự được gặp Bác Hồ, ánh mắt, giọng nói của cựu chiến binh Lưu Vân Trường lại trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát hẳn lên. Bên tách trà nóng, bốc hơi nghi ngút, ông Trường kể: Cuối năm 1958, khi đang là cấp ủy viên trẻ, phụ trách công tác tổ chức Đảng của xã, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, tôi là 1 trong 5 đảng viên trẻ được lựa chọn để bổ sung cho quân đội. Sau một thời gian được cử đi học tập và về công tác tại một số đơn vị, đến tháng 4 năm 1964, tôi lại có thêm vinh dự khi được lựa chọn để tăng cường cho cách mạng miền Nam. Trước ngày lên đường, Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã đến thăm hỏi, động viên, giao nhiệm vụ cho đoàn. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi được gặp Bác và nghe những lời căn dặn hết sức bổ ích khi chuẩn bị bước vào một nơi hết sức gian nan, khốc liệt.
Nhấp một ngụm trà, cựu chiến binh Lưu Vân Trường nói tiếp: Khi biết được tin Bác Hồ đến thăm, chúng tôi phấn khởi lắm, bởi vì không phải ai cũng có vinh dự được gặp Bác. Do đó, công tác chuẩn bị được anh em triển khai hết sức kỹ lưỡng, lựa chọn bộ quân phục mới nhất, đầu tóc cắt tỉa gọn gàng…Và rồi giờ phút mong chờ cuối cùng đã đến, Bác xuất hiện trước chúng tôi hết sức giản dị, nụ cười hiền hậu với giọng nói trầm ấm. Chính hình ảnh đó đã in sâu vào tâm trí tôi, để rồi sau này, khi đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, tôi luôn học tập theo Bác về phong cách, lối sống và đặc biệt là sự giản dị, gần gũi với mọi người.
Nhớ về những lời căn dặn của Bác tại buổi hôm đấy, ông Trường cho biết: Khi đó Bác nói: “Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cháu, Bác chỉ nói dặn thêm rằng, các cháu đi vào tăng cường cho cách mạng miền Nam hiện nay hết sức khó khăn, ác liệt, phải đối mặt với hơn 1 triệu quân ngụy được trang bị hiện đại và có thể là quân đội chính quy của Mỹ và các nước chư hầu. Do đó, khi chiến đấu ác liệt, hy sinh như thế nào, các cháu phải luôn đoàn kết, thương yêu cấp dưới, đồng đội như chính người thân của mình; còn đảng viên là còn lãnh đạo, còn cán bộ là còn chỉ huy, phải chiến đấu đến người cuối cùng, bắn đến viên đạn cuối cùng để giành chiến thắng”.
Được biết, sau buổi gặp mặt, động viên đó, ông Trường được bổ sung vào Công trường 40 trực thuộc mặt trận Tây Nguyên. Từ năm 1968 đến năm 1973, ông lần lượt trải qua các chức vụ từ Chính trị viên Tiểu đoàn, Phó Chủ nhiệm Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị các đơn vị trực thuộc Đoàn 75 (Đoàn Pháo binh Biên Hòa). Khi Đoàn 75 giải thể, ông tiếp tục được phân công làm Chủ nhiệm Chính trị Trường Pháo binh miền Nam (Phiên hiệu là H10). Cuối năm 1974, miền Bắc đưa nhiều loại pháo lớn, hiện đại vào để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công năm 1975, Trường H10 được chuyển thành Trung đoàn 10 (trực thuộc Bộ Chỉ huy miền), trực tiếp tham gia chiến đấu tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Kể về thời khắc lịch sử của ngày 30/4/1975, ông Trường cho biết: Để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 10 được tăng cường cho Quân đoàn 2. Bắt đầu từ 17 giờ ngày 26/4/1975 cho đến các ngày 27, 28, 29/4, Trung đoàn của chúng tôi có nhiệm vụ bắn phá các mục tiêu trong thành phố theo chỉ đạo của Quân đoàn 2. Ngày 30/4/1975, đúng 5 giờ sáng, chúng tôi được lệnh bắn thẳng vào Dinh Độc Lập chi viện cho bộ binh và xe tăng vào đánh chiếm. Đến 10h30 thì lệnh ngừng bắn được đưa ra bởi vì các mũi tấn công đã áp sát được vào Dinh Độc Lập và đến 10h45 thì quân ta đã bắt được toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Khi nghe được tin chiến thắng, cả đơn vị hò reo trong sung sướng, có nhiều người ôm nhau khóc vì quá mừng rỡ. Được sự đồng ý của chỉ huy, chúng tôi sử dụng một chiếc xe Zeep lấy được của địch, 4 góc xe cắm 4 lá cờ giải phóng, chạy vào thành phố. Trên đường vào, chúng tôi gặp rất nhiều người dân tay cầm hoa vẫy chào thân mật, vui vẻ, cảnh thành phố đông vui, nhộn nhịp khác hẳn thời điểm chúng tôi mới đến. Đây đúng là một mốc son lịch sử, hào hùng của dân tộc.
Đang phấn khởi nói về thời điểm miền Nam được giải phóng, giọng của cựu chiến binh Lưu Vân Trường đột nhiên trầm lại, ông chia sẻ: Để có được chiến thắng vĩ đại đó là không biết bao nhiêu xương máu phải đổ xuống, có những chàng trai, cô gái tuổi đời đôi mươi, tương lại rộng mở nhưng đã không ngại hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Trực tiếp tham gia chiến đấu mới thấy được sự khốc liệt của chiến tranh, có những trận đánh, mà khi đi là một đại đội nhưng khi về thì chỉ còn có 9 người. Trong những lúc khó khăn đó, tôi lại nhớ đến những lời căn dặn của Bác Hồ trước khi lên đường vào Nam. Những lời căn dặn đó có một sức mạnh hết sức to lớn, giúp cho chúng tôi có thêm được nguồn động lực, ý chí quyết tâm để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Quả thật được gặp Bác, nghe Bác căn dặn là một điều may mắn nhất trong cuộc đời tôi cho đến bây giờ.
Phạm Luân