A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao Mỹ ép Ukraine nhận “tối hậu thư”?

 

Hai năm qua (2014-2016), cuộc nội chiến ở miền Đông Donbass đẩy Ukraine lâm vào khủng hoảng toàn diện. Sau những cáo buộc lẫn nhau giữa quân Chính phủ và Dân quân ly khai Donbass, đồng thời Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, hỗ trợ lực lượng nổi dậy miền Đông đòi ly khai, đẩy Ukraine vào rối loạn xã hội, lấy cớ dẫn đến cuộc chiến cấm vận trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ, phương Tây và Nga kéo dài ít nhất cũng phải đến 2 năm. 

 

 

Binh sĩ Ukraine.                                          Ảnh Internet

 

Những nỗ lực ngoại giao của “ Nhóm Bộ tứ Normandy” gồm Nga, Pháp, Đức, Ukraine cam kết tại Thỏa thuận Minsk-1, Minsk-2 về các bên xung đột ở miền Đông ngừng bắn, rút vũ khí và pháo hạng nặng ra khỏi khu vực giao tranh, trao trả tù binh, tổ chức cứu trợ nhân đạo được thực thi nhưng chưa mấy khi triệt để.

 

Mấy tuần gần đây nhất, chiến sự bỗng dưng leo thang, xung đột diễn ra hàng ngày và tăng dần mức độ theo mỗi tuần, lên mức khốc liệt nhất chưa từng thấy kể từ giai đoạn căng thẳng nhất được ghi nhận vào mùa Thu năm 2014- Trợ lý Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề chính trị T.B.Zerhoun khẳng định.

 

Vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry và Ngoại trưởng Nga S.Lavrov điện đàm, đạt được thỏa thuận, sẽ bảo trợ cho các bên tham chiến chấm dứt xung đột ở vùng miền Đông Donbass. Lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ đêm 30-4-2016, nhân dịp Lễ Phục sinh Chủ nhật- Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Các bên sẽ tiến hành các cuộc tham vấn ngay sau đó, bao gồm các đại diện: Chính phủ Ukraine, Thủ lĩnh lực lượng ly khai Donetsk tự xưng, Thủ lĩnh lực lượng ly khai  Lugansk tự xưng và ông M.Saidic, Đặc phái viên của Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Đây là cuộc thỏa thuận ngừng bắn lần thứ 8 ở vùng này trong 2 năm qua.

 

Ông M.Saidic đặt nhiều hy vọng vào Thỏa thuận ngừng bắn và sự bảo trợ của 2 cường quốc: Nga-Mỹ cho rằng, đây là một bước tiến quan trọng, đồng thời bày tỏ tin tưởng lệnh ngừng bắn sẽ mang tính lâu dài. Trước đó, ngày 29-4, Thủ lĩnh lực lượng ly khai Donetsk miền Đông Ukraine A.Zakharchenko công bố thông tin gây sốc: Một số thành viên Cơ quan An ninh quốc gia Ukraine (SBU) đã bị lực lượng ly khai bắt giữ ngày 28-4 vì nghi can âm mưu ám sát các thành viên cao cấp lực lượng ly khai Donetsk, Lugansk dự định vào ngày Chủ nhật 1-5?

 

Tính xác thực về cáo buộc Chính phủ chưa được kiểm chứng thì lập tức Quân đội Ukraine tuyên bố, đó là những thông tin giả để che giấu xung đột nội bộ đang diễn ra trong hàng ngũ cấp chỉ huy của phe ly khai? Bóng đen của thỏa thuận ngừng bắn, tiến tới hòa hợp dân tộc bị bao phủ mối hiểm họa nghi kỵ, bất hòa ngay khi thỏa thuận ngừng bắn sắp có hiệu lực?!

 

Cùng thời điểm này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ V.Nuland có mặt tại Kiev, mang sứ mệnh của Nhà Trắng đến với Tổng thống P.Poroshenko bằng một bức thư mật. Nội dung của bức thư được giữ kín nhưng các nghị sĩ Ukraine cho rằng, “tối hậu thư” của Chính phủ Mỹ yêu cầu chính quyền Kiev tiến hành thay đổi Hiến pháp theo hướng trao “quy chế đặc biệt” cho các vùng lãnh thổ đòi tự trị ở miền Đông gồm tỉnh Donetsk và Lugansk, sớm bầu cử địa phương ở 2 vùng lãnh thổ này, đảm bảo ân xá cho các tù binh quân sự. “Tối hậu thư” quả là “trái đắng” người Mỹ dành cho Chính phủ Kiev. Nếu chấp nhận thì sẽ là “cuộc tự sát chính trị”, trong khi giới chức cầm quyền Ukraine tồn vong phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Mỹ và châu Âu nên từ chối cũng vô cùng khó khăn- Nhóm Nghị sĩ Quốc hội Ukraine thuộc Đảng Tự cứu mình nhận định.

 

Theo số liệu của LHQ, cuộc nội chiến miền Đông Donbass từ tháng 4-2014 làm 9.400 người chết, 21.400 người bị thương, hàng triệu người mất nhà cửa. Sau “Cách mạng Cam 2.0 Maidan” (2-2014), đưa ông P.Poroshenko lên làm Tổng thống, Chính phủ Kiev đoạn tuyệt quan hệ với Nga, chuyển hướng thân phương Tây nhưng chưa đạt được nguyện vọng gia nhập EU và NATO. Ukraine rơi vào khủng hoảng chính trị, liên minh trong Quốc hội tan ra khi 3 đảng tự rút lui. Thủ tướng A.Yatsenyuh bị sức ép phải từ chức.

 

Nền kinh tế rơi vào thảm họa, cảnh báo vỡ nợ từ cuối năm 2015. Nợ công Ukraine đến 118,7 tỷ USD chiếm 143,9% GDP nên phải đi vay trả nợ và chi tiêu. Kiev đang trông chờ món vay 17,5 tỷ USD do châu Âu hứa hẹn, nếu chính quyền chứng tỏ hiệu quả khả năng điều hành và kiên quyết chống tham nhũng? Nền công nghiệp quốc phòng, sản xuất máy bay, tên lửa bị đình đốn.

 

Các nhà máy công nghiệp, than đá, nhiên liệu vùng miền Đông thuộc về quân ly khai. Trong khi mọi nỗ lực của Chính phủ Kiev cắt đứt biên giới, tách quân ly khai với Nga không đạt được. Mỹ cũng thừa biết, Kiev không thể nào lấy lại được Crimea hay Donbass! Họ cũng không tin, Chính phủ Kiev giành lại quyền kiểm soát biên giới sau khi Quốc hội thông qua đạo luật bầu cử ở Donbass? Dân Ukraine lại nhận được tin sốc, giá xăng dầu, khí đốt tăng gấp đôi, trong khi giá cả leo thang, hàng hóa khan hiếm, đời sống người dân sụt giảm đi 2-3 phần so với năm 2010-2013. Người dân Ukraine bất bình trước tình trạng quan chức chính phủ tham nhũng, lại bị dội gáo nước lạnh khi “Hồ sơ Panama” có tên Tổng thống P.Poroshenko và gia đình trong danh sách đen lập công ty trốn thuế ở nước ngoài.

 

Theo Thỏa thuận Minsk, nếu trao “quy chế đặc biệt” cho vùng miền Đông, Quốc hội Ukraine phải thực hiện lộ trình sửa luật vào tháng 5-2016; tháng 7-2016 vùng Donbass tiến hành bầu cử dưới sự giám sát của OSCE. Bởi xét về khía cạnh chính trị, giảm bớt căng thẳng với Nga là cần thiết với cả châu Âu và Mỹ, trong khi Quốc hội Pháp, Đức và nhiều nước châu Âu kêu gọi dỡ bỏ cấm vận Nga. Lúc này, Mỹ rảnh tay, mọi áp lực đẩy sang phía Nga. Và rất có thể, nếu không có sự “thuận buồm mát mái”, Mỹ lấy cớ tiếp tục thúc ép các nước kéo dài cấm vận, triệt hạ kinh tế Nga.

 

Quan hệ Mỹ-Nga căng thẳng, trở lại thời Chiến tranh Lạnh. Mỹ và NATO tăng cường “lực lượng phản ứng nhanh” với hơn 40 ngàn binh sĩ được trang bị vũ khí hạng nặng, triển khai ở Ba Lan, các nước Baltic, áp sát biên giới Nga. Mỹ đã thành công gây tâm lý với các nước châu Âu sợ “Nga xâm lược” để triển khai vũ khí và bán vũ khí cho các nước. Căng thẳng Nga, Mỹ đẩy thế giới vào cuộc chạy đua vũ trang hao tiền tốn của chưa có điểm dừng.

 

Việc Mỹ thúc ép Ukraine trao “quy chế đặc biệt” cho vùng miền Đông Donbass chẳng khác nào thừa nhận sự thất bại của Chính phủ trung ương, Kiev coi đó như một thảm họa, càng làm suy giảm uy tín của giới cầm quyền. Nhưng thật tai hại, chính Đức, Pháp cũng đồng thuận với Mỹ về giải pháp này. “Thỏa thuận Minsk là con đường duy nhất để Ukraine có thể khôi phục chủ quyền lãnh thổ và sống trong hòa bình” Ngoại trưởng Đức F.Walter và Ngoại trưởng Pháp J.Ayrault có chung nhận xét. Dù ngậm bò hòn, chắc Tổng thống P.Poroshenko cũng khó từ chối thực hiện “tối hậu thư” của Mỹ!

 

 Nhật Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ