A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lời hứa và hành động

 

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND  các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang tiếp tục thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên để vận động bầu cử theo Luật định, trước khi cuộc bầu cử được tiến hành vào ngày 22/5/2016. Đây là một phần việc cuối cùng trong các bước chuẩn bị cho công tác tổ chức bầu cử nhưng lại là điều kiện quan trọng nhất đối với các ứng cử viên để được ra mắt cử tri, được trình bày chương trình hành động có tính khả thi, thể hiện năng lực, trình độ và sự tâm huyết của một đại biểu cử tri (nếu được bầu là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp) và đây cũng là cơ sở để cử tri có thêm những nhận định, đánh giá, lựa chọn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng trên lá phiếu bầu.

 

 Sau hiệp thương lần thứ ba, các ứng cử viên sẽ tiến hành vận động bầu cử. Để bảo đảm sự bình đẳng giữa các ứng cử viên, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) và đại biểu HĐND quy định  có hai hình thức vận động bầu cử mà người ứng cử có thể tiến hành, đó là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban MTTQ tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng. 

 

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri và trên các phương tiện thông tin đại chúng các ứng viên có thời lượng trả lời phỏng vấn hoặc trình bày các chương trình hành động của mình như nhau, không có sự phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử. Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND quy định những hành vị bị cấm trong vận động bầu cử để bảo đảm mọi ứng cử viên đều bình đẳng trong vận động bầu cử, vì đây  là yếu tố rất quan trọng bảo đảm chất lượng, hiệu quả của cuộc bầu cử.

 

Tuy nhiên, điều mà các cử tri băn khoăn chính là các ứng cử viên liệu có thực hiện được lời hứa của mình sau khi đã trúng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp? Nhiều cử tri đã không ngần ngại bày tỏ những băn khoăn của mình về những hứa hẹn và các chương trình hành động của ứng cử viên trước khi được bầu là đại biểu của dân. Có ý kiến cho rằng, trong thực tế có đại biểu đã không thể hiện được gì trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội; có đại biểu hứa xong, để đấy, thậm chí có đại biểu còn bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội do những sai phạm của mình…

 

Do đó, việc đưa ra chương trình hành động và thực hiện chương trình hành động là những thách thức không hề nhỏ của những ứng cử viên. Đây còn được coi là “lời hứa trước cử tri” nếu trở thành đại biểu QH, đại biểu HĐND của mỗi ứng cử viên.  Một chương trình hành động thiếu tính thực tiễn, không phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân, chắc chắn không bao giờ nhận được sự chấp nhận của cử tri. Chương trình hành động  có tính thuyết phục cần phải theo đúng yêu cầu trong các quy định của pháp luật; phải đáp ứng được yêu cầu mong đợi nhất là những vấn đề mà dư luận xã hội đang bức xúc, hoặc cử tri ở địa phương đó đang hết sức quan tâm và phải có những tháo gỡ, giải quyết hiệu quả.

 

Cử tri rất cần một đại biểu thực sự song hành giữa nói và làm. Một chương trình hành động hay, hấp dẫn chưa đủ, mà điều cần thiết nhất là đại biểu sẽ làm gì và làm như thế nào để thực hiện sáng tạo, hiệu quả chương trình hành động đó. Trong điều kiện xã hội hiện nay, khi trình độ dân trí ngày càng cao và  các phương tiện thông tin đại chúng phát triển thì quyền giám sát của nhân dân càng được phát huy. Người dân sẽ giám sát hoạt động đại biểu của mình trong suốt nhiệm kỳ, qua chương trình hành động.

 

Trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp là vinh dự rất lớn nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề đối với mỗi ứng cử viên. Người đại biểu của dân phải đại  diện cho tiếng nói và nguyện vọng của dân và phải có những hành động thiết thực vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc .

 

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ