A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc chia rẽ khối ASEAN về vấn đề biển Đông?

 

Sau chuyến công du 3 nước Cộng đồng ASEAN là Campuchia, Lào, Brunei kết thúc vào tuần qua, ngày 24-4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ra thông báo gây sốc, Bắc Kinh đã đạt được đồng thuận với các nước này về tình hình biển Đông. Theo ông Vương Nghị, tranh chấp ở một số đảo đá, bãi cạn trên biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, do đó không ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ giữa Bắc Kinh và ASEAN?!

 

 

Máy bay Trung Quốc hạ cánh phi pháp xuống đá Chữ Thập. (Ảnh Internet)

 

Nối tiếp theo phát ngôn của Ngoại trưởng Vương Nghị, Tân Hoa xã-Trung Quốc loan tin: Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận 4 điểm với Campuchia, Lào, Brunei về vấn đề biển Đông. Theo đó, các nước có quyền tự chọn giải quyết tranh chấp theo cách của mình, tôn trọng luật pháp quốc tế; phản đối tất cả các hành động đơn phương áp đặt một chương trình nghị sự nhất định lên tất cả các nước khác; các tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp đến Điều 4, Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC); Trung Quốc và ASEAN cần chung tay bảo đảm hòa bình và ổn định trên biển Đông thông qua hợp tác. Các quốc gia bên ngoài khu vực cần đóng góp vai trò xây dựng trong vấn đề này.

 

Phản ứng của các quốc gia ASEAN và cộng đồng quốc tế lập tức bùng nổ. Đa phần các nước có chung nhận định, Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ các quốc gia Cộng đồng ASEAN về quan điểm giải quyết tranh chấp căng thẳng kéo dài trên biển Đông, ngăn chặn không để ASEAN có tiếng nói chung về vấn đề này, nhất là khi Tòa án Trọng tài Thường trực PCA của Liên hợp quốc (LHQ) có trụ sở ở La Hay, Hà Lan sắp có phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc nêu yêu sách “đường 9 đoạn”, chiếm bãi cạn Scarborough của Manila.

 

 Nguyên Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong cho rằng, Singapore với tư cách là nước điều phối ASEAN-Trung Quốc sẽ phải làm hết sức mình để bảo vệ quan điểm của ASEAN, chống sự chia rẽ trong khối, trong khi Lào đang là Chủ tịch luân phiên ASEAN. “Nếu một nước nhân danh cả khối, làm như vậy là đã can thiệp vào công việc nội bộ của cả ASEAN?” Ông B.Kausikan, Cố vấn chính trị Bộ Ngoại giao Singapore nhận định, đây là âm mưu của Bắc Kinh đối phó với phán quyết của Tòa án PCA! Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia H.Wirajuda lo ngại: “ASEAN không đủ khả năng đối phó với các căng thẳng gia tăng hoặc giải quyết hòa bình các tranh chấp”.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia A.Nasir tuyên bố, các bên liên quan phải tôn trọng Tuyên bố DOC, “ổn định khu vực là một vấn đề chung; duy trì ổn định trên biển Đông là trách nhiệm chung giữa Trung Quốc, ASEAN và các nước có liên quan”. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định: “Một nước thành viên ASEAN không thể thỏa thuận với Trung Quốc về các vấn đề tranh chấp cùng liên quan đến các nước khác trong ASEAN”. Ông Lê Lương Minh cho biết, các nước ASEAN phải duy trì lập trường chung về vấn đề biển Đông dựa trên Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên biển Đông đã ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2012.

 

Đồng thời vị Tổng Thư ký ASEAN cũng tái khẳng định bản nguyên tắc 6 điểm bao gồm việc nhanh chóng hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử trên biển và yêu cầu các nước tiếp tục kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình. “Một nước trong ASEAN không thể thương thuyết với Trung Quốc vì các cuộc tranh chấp cũng có liên quan tới các nước thành viên ASEAN khác”- Ông Minh nhấn mạnh. Giới truyền thông Autralia cùng chung nhận định với Đài BBC nêu rõ, áp lực ngoại giao của Trung Quốc đã gây chia rẽ trong khối ASEAN! Ngay lập tức (25-4), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Phay Siphan lên tiếng chối: “Không có thỏa thuận hay thảo luận gì, chỉ là chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (ngày 22-4)”. Vậy thực chất chuyến thăm 3 nước Campuchia, Lào, Brunei của Ngoại trưởng Trung Quốc và thỏa thuận 4 điểm Bắc Kinh hướng tới là gì?

 

Gần chục năm qua, các nước có phần lãnh hải trên biển Đông chịu áp lực của Bắc Kinh khi nước này đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” chiếm hơn 80% biển Đông. Những quốc gia đang có chủ quyền biển đảo, nay bỗng bị Trung Quốc đưa vào đối tượng tranh chấp có Philippines, Maylaysia, Brunei, Việt Nam và đảo Đài Loan. Hai năm qua, sau khi tôn tạo QĐ Hoàng Sa (chiếm của Việt Nam năm 1974) đưa dân ra đảo, xây dựng sân bay, bến cảng, thành lập trái phép thành phố Tam Sa; Trung Quốc tiếp tục cải tạo trái phép 7 bãi đá, tạo đảo ở Trường Sa với diện tích đến 1.173 ha, xây mới 3 đường băng hiện đại, xây căn cứ đồn trú quân sự, dân sự, gây bức xúc dư luận quốc tế.

 

Mỹ và các nước phản đối Bắc Kinh âm mưu quân sự hóa biển Đông, ngăn cản tự do hàng hải và hàng không khu vực giao thương sầm uất nhất thế giới với trữ lượng hàng hóa 5.000 tỷ USD/năm. Biển Đông đang nóng bỏng trước các mối đe dọa của Trung Quốc với các nước khu vực Đông Nam Á và châu Á, là điểm đối đầu Mỹ-Trung trong quan hệ xoay trục của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương. Các nước ASEAN nhiều lần lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo các nước thành viên, đồng thời hợp tác, đoàn kết đấu tranh bằng phương pháp hòa bình với Bắc Kinh. Trung Nam Hải nhìn thấy sức mạnh của khối ASEAN và đã đưa ra đối sách “chia để trị”, “cây đũa và bó đũa”?

 

Chủ tịch Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và hoạt động của Ngân hàng AIIB hấp dẫn các nước châu Á. Với các nước nghèo đang phát triển như Campuchia, Lào, Brunei thì sự hấp dẫn của các dự án đầu tư, nguồn vốn ODA và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát, quân đội có sức lôi cuốn mãnh liệt. Trong các chuyến thăm, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, Campuchia đã nhận được hàng trăm triệu USD hàng viện trợ gồm xe máy, thiết bị giám sát, pháo, tên lửa vác vai.

 

Campuchia thảo luận vay tiền Trung Quốc xây nhà máy điện hạt nhân. Trung Quốc phóng khoáng cho Lào vay tiền làm đường cao tốc, đường sắt Côn Minh-Viêng Chăn trị giá 7 tỷ USD. Lào hy vọng xây 70 đập thủy điện trên sông Mê Kông với tổng 26.500 MW nhờ vốn, thiết bị của Trung Quốc cùng với hợp tác khai thác tài nguyên, phát triển du lịch xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng? Ông Vương Nghị cam kết đầu tư vào Brunei tăng 50% so với năm 2015, giá trị các dự án sẽ tăng gấp 50 lần, chú trọng phát triển năng lượng và hạ tầng ở quốc gia này theo sáng kiến “Một vành đai, một con đường”!

 

Người ta dự đoán, Lào đương nhiệm là Chủ tịch ASEAN, liệu có như Campuchia năm 2012 giữ chức Chủ tịch, ASEAN không ra nổi Thông cáo chung về biển Đông? Hình như người Trung Quốc có tính lo xa, đã đi trước một bước? 

 

Nhật Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ