A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hòa bình ở Syria-Còn xa tầm với?

 

Tuần qua, các phe phái xung đột ở Syria tiếp tục trở lại vòng hòa đàm dưới sự bảo trợ của Liên hiệp  quốc (LHQ) nhằm tìm giải pháp hòa bình cho quốc gia này thì đại diện các bên đối lập  bất ngờ tuyên bố bắt đầu cuộc chiến mới chống quân Chính phủ. Thỏa thuận tạm thời ngừng bắn giữa các nhóm đối lập với quân Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27-2, trải qua 7 tuần có nguy cơ tan vỡ.

 

 

Cuộc chiến ở Syria chưa biết khi nào kết thúc.

 

Mặc dù 6 năm qua ở đất nước này chưa bao giờ yên tiếng súng nhưng gần 2 tháng qua, súng tạm lắng, chỉ còn sự đối chọi dữ dội giữa quân đội Syria tấn công phiến quân khủng bố gồm IS và Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda- hai đối tượng không thuộc diện chấp hành ngừng bắn. Rồi hàng ngày, có không dưới 10 vụ, quân Chính phủ và các nhóm đối lập luôn cáo buộc nhau vi phạm ngừng bắn. Lực lượng LHQ, Mỹ, Nga cũng đưa ra những số liệu, quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, bảo vệ và chống đối Chính phủ của Tổng thống Syria B.al-Assad.

 

Trong một cuộc họp hòa đàm giữa các phe nhóm ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 15-4, ông S.Mistura, Đặc phái viên của LHQ về Syria đề xuất thành lập “Chính phủ liên minh” do ông B.al-Assad làm Tổng thống và cử 3 Phó tổng thống thuộc các phe phái khác trong giai đoạn chuyển tiếp. Đây được xem là sự nhượng bộ các bên, thỏa thuận giữa Nga và Mỹ, để ông B.al-Assad tại vị ít nhất đến năm 2017, số phận chính trị của ông này do người dân Syria quyết định thông qua bầu cử tự do dân chủ.

 

Nhưng ngay lập tức, đại diện Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) của phe đối lập thẳng thừng bác bỏ và cho rằng: Sự ra đi của ông B.al-Assad là điều kiện tiên quyết cho mọi đàm phán, thỏa hiệp! Phát ngôn viên HNC S.Meslet tuyên bố: Lực lượng đối lập ở Syria muốn thành lập “Hội đồng chuyển tiếp quyền lực” trong đó “không có chỗ cho B.al-Assad”. Nếu bổ nhiệm 3 Phó tổng thống thì ông B.al-Assad phải từ chức và “chuyển giao toàn bộ quyền lực”. Đây cũng là điều mâu mắc lớn nhất trong thời gian qua mà Chính phủ Syria thật khó chấp nhận, nhất là hiện nay, quân đội Chính phủ đang liên tục giành chiến thắng trên các mặt trận, đẩy phiến quân Hồi giáo IS vào thế phòng ngự, chúng mất dần nhiều địa bàn chiến lược.

 

Cuộc nội chiến ở Syria đã sang năm thứ 6, với hàng trăm nhóm vũ trang nổi dậy chia cắt lãnh thổ quốc gia này. Các tổ chức khủng bố IS, Al-Qaeda và phe nổi dậy nổi lên chiếm hơn 70% lãnh thổ, riêng Hồi giáo IS chiếm 50%. Chính phủ của Tổng thống B.al-Assad chỉ còn khoảng dưới 30% đất đai và 60% dân số. Xung đột và khủng bố đã làm hơn 270.000 người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, 4,6 triệu người phải bỏ đất nước đi tị nạn gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ ở châu Âu.

 

Lấy danh nghĩa chống khủng bố, Nga quyết định tham chiến (từ 30-9-2015) đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến ở Syria, bảo vệ và hỗ trợ quân Chính phủ đủ sức mạnh chống khủng bố và các phe phái đối lập. Sau khi Nga tuyên bố rút quân khỏi Syria (từ 14-3), các phi đội máy bay chiến đấu Nga vẫn hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho quân đội Syria phối hợp với bộ binh Hezbolla- Liban, Vệ binh Iran đánh chiếm thắng lợi những vị trí chiến lược ở Hama, Latakia, Palmyra, Qaryatain  tạo cơ hội tiến sâu về phía Đông- thủ phủ của IS ở Detr ez-Zohr, Raqqa, bảo vệ an toàn các tuyến đường huyết mạch dẫn đến thủ đô Damass.

 

Mấy ngày qua, phe đối lập kêu gọi Mỹ can thiệp, yêu cầu Nga ngăn chặn quân Chính phủ Syria đang tấn công vào phía Nam thành  phố Aleppo do phe đối lập Syria kiểm soát. Phe đối lập cho rằng, quân Chính phủ vi phạm ngừng bắn, đang cố gắng giành lợi thế trên bàn đàm phán. Mỹ úp mở hé lộ, sẽ có “Kế hoạch B về Syria” trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn thất bại. Mỹ sẽ áp dụng như chiến tranh ở Afghanistan, tuồn vũ khí chống tăng, tên lửa hạ máy bay, phá trận địa pháo cho phe đối lập để chống lại quân Chính phủ và gây thiệt hại lớn cho Nga?! Và không ai dám cam đoan rằng, các vũ khí kia không rơi vào tay quân khủng bố? Mỹ đang tìm cách cứu Aleppo thất thủ!

 

Sau hơn 5 tháng chống khủng bố ở Syria, Nga tuyên bố “sứ mệnh đã hoàn thành” và rút quân bất ngờ cũng giống như khi xuất hiện. Nga đã giúp quân đội Syria giải phóng 400 cụm dân cư, hơn 10.000 km2 lãnh thổ. Ngoài ra, tiêu diệt hơn 2.000 chiến binh khủng bố có nguồn gốc từ Nga (có 17 tên chỉ huy); phá hủy 209 cơ sở khai thác và vận chuyển dầu mỏ của quân khủng bố Hồi giáo cực đoan, phá hủy hơn 2.000 phương tiện của chúng. Ngay sau đó, bằng chiến thuật nghi binh tưởng như đánh chiếm căn cứ trọng yếu Aleppo, làm cho Quân đội Syria Tự do (FSA), Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Arab Saudi đổ binh sĩ vào cứu ứng thì  không quân Nga và quân Chính phủ Syria giáng đòn quyết định đánh chiếm thành cổ chiến lược Palmyra từ tay quân IS, làm Mỹ, NATO cũng bất ngờ.

 

Việc quân đội của Tổng thống B.aal-Assad tấn công Aleppo được cho là tiêu diệt phiến quân IS và Al-Nusra ở khu vực chiến lược Al-Mallah, chống lại âm mưu cắt đứt con đường chiến lược nối Aleppo với Damass. Những ngày qua, ngoài bị không kích, quân khủng bố đã phải hứng chịu những trận bão lửa của pháo phản lực đa nòng BM-21 Grad, TOS-1A (Nga) từ vùng Primorsky dội xuống Lattakia, Hama trút lên đầu Mặt trận Al-Nusru và các nhóm cực đoan: H.A.al-Sham, Faylaq Al-Sham, FSA, Jaysh Al-Izza. TOS-1A được mệnh danh là “Mặt trời lóe sáng” có sức mạnh kinh hoàng, hủy diệt sự sống trong bán kính 3 km dù đối thủ chui vào boong ke, tòa nhà, hầm cố thủ thì sức nóng và quả nổ tạo khoảng chân không cũng phá hủy hết nội tạng con người. Pháo phản lực TOS-1A được xem như tạo vụ kích nổ vũ khí hạt nhân công suất thấp, không có phóng xạ, lần đầu được sử dụng ở Syria! Aleppo có vị trí chiến lược trọng yếu, có vai trò nút thắt trong cuộc chiến chống IS!

 

Trên chiến trường Syria, lực lượng người Kurd giữ vai trò khá quan trọng trong cuộc chiến chống IS. Mỹ không dễ lật đổ được Chính phủ B.al-Assad nên hỗ trợ người Kurd thành lập một khu tự trị ở phía Bắc Syria, nhằm làm con bài mặc cả lãnh thổ với Syria. Nga và Syria hợp tác với các tổ chức người Kurd ở Syria (YPG) và PYD, SDF để đánh IS thì Thổ lại hợp tác với IS trên danh nghĩa chống YPG. Mỹ cũng lợi dụng tổ chức người Kurd- YPG để thao túng lãnh thổ Syria. Thổ coi Đảng Công nhân người Kurd (PKK), YPG, PYD là khủng bố. Tháng 3-2016, người Kurd ở Syria tuyên bố kế hoạch thành lập chính thể liên bang với 3 khu tự trị dọc biên giới Thổ đặt tên là Liên bang miền Bắc Syria. Người Kurd  cũng có dân số lớn ở Iraq dễ dàng tham gia liên minh ở Syria.

 

Bàn cờ chính trị Syria càng phức tạp khi Syria vừa tổ chức thành công bầu cử Quốc hội (13-4) với hơn 5 triệu/ 8,8 triệu cử tri đi bỏ phiếu, Đảng Baath của Tổng thống B.al-Assda chiếm 200/250 ghế, trong khi Mỹ và phương Tây không công nhận kết quả này. Hòa bình ở Syria dường như càng xa tầm tay với của Chính phủ và LHQ.

 

Minh Nhật


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ