Thi đua yêu nước là động lực cho sự phát triển
QPTĐ-Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đến dự Đại hội có 2.300 đại biểu, trong đó có 2.020 đại biểu chính thức.
Khai mạc Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Kể từ khi diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ Nhất, năm 1952, đến nay đã có 9 kỳ Đại hội được tổ chức, trong đó có tới 4 kỳ Đại hội (từ Đại hội lần thứ Nhất đến Đại hội lần thứ IV-1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người với phong trào thi đua yêu nước-nguồn động lực to lớn của cách mạng Việt Nam.
Trong những năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng các phong trào thi đua tiếp tục phát triển sâu rộng ở các cấp, các ngành, các vùng miền, địa phương trên cả nước. Thông qua các phong trào thi đua, nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc đã được giải quyết, nhiều công trình, mô hình được xây dựng, đời sống nhân dân được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội và phát huy dân chủ ở cơ sở. Các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Công nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo”… đã góp phần cùng đất nước ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Sản xuất công nghiệp được củng cố, tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội cả nước. Nông nghiệp chuyển biến tích cực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thành công ở nhiều nơi. Phong trào “Dạy tốt, học tốt” tiếp tục được triển khai sâu rộng, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Hàng ngàn học sinh, sinh viên, vận động viên thể thao đã đạt giải cao trong các kỳ thi Quốc gia và Quốc tế.
Phong trào thi đua trong lĩnh vực y tế, đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bước đầu sử dụng trang thiết bị y tế và ứng dụng nhiều thành tựu y học tiên tiến của thế giới trong điều trị bệnh và ghép tạng thành công. An sinh xã hội được bảo đảm, thực hiện hiệu quả các chương trình nhân văn, ý nghĩa như "Đền ơn, đáp nghĩa"; "Xóa đói, giảm nghèo", "Mái ấm tình thương", "Vì Trường Sa thân yêu”... đã mang lại niềm tin yêu trong nhân dân, phát huy mạnh mẽ truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc... Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo -Không để ai bị bỏ lại phía sau" đã đóng góp tích cực trong nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 4% năm 2019. Các phong trào “Thi đua Quyết thắng” trong Quân đội; Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, "Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" trong lực lượng Công an nhân dân tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả.
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp và củng cố hệ thống chính trị, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên. Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” được nhiều bộ, ban, ngành, địa phương tích cực hưởng ứng, bước đầu tạo nên những chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động, hướng tới xây dựng một nền hành chính văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt là phong trào thi đua phòng, chống dịch Covid-19 đã được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch bệnh; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội được hồi phục và đang trên đà tăng trưởng, nền kinh tế vượt qua khó khăn, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt tốc độ cao nhất trong khu vực và thế giới, các hoạt động đối ngoại được duy trì có hiệu quả...
Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Người: “Càng khó khăn càng phải thi đua”, “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”, các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới để thi đua thật sự trở thành động lực to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hữu Văn