A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tầm vóc lịch sử của Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968

 

QPTĐ-Cách đây tròn 51 năm, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở Chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh, nhằm nghi binh chiến lược, thu hút, giam chân, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân Mỹ-Ngụy.

 

 

Quân giải phóng Trị Thiên phục kích, đánh địch rút chạy khỏi Khe Sanh.

Ảnh: Tư liệu

 

Đầu năm 1965, trước sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ nhanh chóng triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và quân đội các nước đồng minh vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, với âm mưu kết thúc chiến tranh bằng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, sau 3 năm tham chiến, chẳng những Mỹ không thực hiện được âm mưu đề ra mà ngày càng sa lầy và đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Trong khi đó, quân và dân ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân, đẩy mạnh và liên tục tiến công, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, giành và giữ thế chủ động chiến lược.


Khe Sanh địa bàn có vị trí chiến lược đối với cả hai bên tham chiến. Với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, đây là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn miền Nam. Còn đối với quân Mỹ, đây là tuyến phòng ngự chiến lược, ngăn chặn mọi cuộc tiến công, chi viện của quân Bắc Việt, bảo vệ chế độ Việt Nam cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Bởi thế, cả hai bên đều quyết tâm chiếm, giữ bằng được. Xuất phát từ vị trí đó, hai bên theo dõi nhất cử, nhất động của nhau để hoạch định chiến lược của mình. Từ nửa cuối năm 1967, khi phát hiện nhiều đơn vị chủ lực Quân Giải phóng miền Nam di chuyển khắp chiến trường, Lầu Năm Góc phán đoán sẽ có một kế hoạch quân sự rất lớn của Bắc Việt.


Trước ý đồ và hành động của Mỹ, Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ động mở Chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh nghi binh chiến lược, nhưng cũng vừa là chiến dịch tiến công thực hiện quyết tâm đánh chiếm bằng được địa bàn này nhằm nối thông tuyến vận tải chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam. 


Trải qua những ngày chiến đấu gian khổ, quyết liệt, Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh đã thắng lợi hoàn toàn. Ngày  9-7-1968, lá cờ chiến thắng của quân giải phóng kiêu hãnh tung bay trên sân bay quân sự Tà Cơn. Với chiến thắng này, Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, được đánh giá như một “Điện Biên Phủ thứ hai”. Chiến thắng này cũng đã phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ trên Đường 9, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giữ vững tuyến đường chi viện Bắc-Nam; tạo điều kiện cho hướng tiến công chiến lược chủ yếu đánh vào các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam.


Đòn nghi binh chiến lược Đường 9-Khe Sanh đã giành thắng lợi to lớn, cả về chính trị và quân sự; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, làm thay đổi cục diện chiến trường, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam sang giai đoạn mới. Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968 là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong suốt chiến dịch; thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hậu phương với tiền tuyến; đồng thời, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.


Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh thể hiện ý chí quyết tâm cao của quân và dân Việt Nam trước quân đội nhà nghề của Mỹ được trang bị hiện đại. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân ta mở chiến dịch tiến công hiệp đồng quân binh chủng, đột phá trực tiếp vào tuyến phòng ngự mạnh của quân Mỹ, đánh bại các sư đoàn thủy quân lục chiến, kỵ binh không vận của quân đội viễn chinh Mỹ, buộc chúng phải tháo chạy khỏi Khe Sanh. Đồng thời mang tầm vóc và ý nghĩa chiến lược quan trọng, gây chấn động nội tình nước Mỹ và thế giới, viết nên “một câu chuyện thần kỳ”, góp phần đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Nhà Trắng, trở thành biểu tượng sức mạnh, ý chí quyết tâm và lòng tự hào của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


51 năm trôi qua, nhưng Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh 1968 vẫn mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi, quyết tâm chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Ngân Mỹ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ