A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự bền vững của gia đình

 

QPTĐ-Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

 

 

Gia đình là tế bào của xã hội.

       Ảnh: Internet

 

Theo lời Bác, ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và đến ngày  4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Ngày Gia đình Việt Nam là sự kiện lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ.


Ai trong chúng ta cũng cần có một gia đình. Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng cả thể chất và tâm hồn con người, cho con người những giá trị sống tốt đẹp: Sống có khuôn phép, nền nếp, trật tự, biết hy sinh vì người thân yêu, vì người khác và có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Chúng ta lớn lên, không thể thiếu sự dạy dỗ của cha, sự yêu thương của mẹ, sự nhường nhịn của những người thân trong gia đình… để rồi chính ta lại gây dựng mái ấm gia đình, lại làm nghĩa vụ cho thế hệ kế tiếp trong mỗi gia đình, trong mỗi dòng họ, để các thế hệ người Việt Nam như một sự kế tục không ngừng, luôn phát triển trên nền tảng văn hóa gia đình truyền thống mạnh mẽ.


Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, gia đình Việt Nam trong thời buổi hội nhập đã chịu những tác động mạnh từ bên ngoài. Những giá trị gia đình truyền thống vì thế mà ngày càng có nguy cơ bị mất mát, suy giảm. Theo các chuyên gia,  có lẽ sự thay đổi lớn nhất  là có những chức năng trong gia đình không còn được giữ gìn như truyền thống. Chức năng kinh tế hiện nay đang suy giảm rõ nét, vì mỗi thành viên trong gia đình đã có những độc lập về kinh tế nhất định.

 

Thay đổi lớn thứ hai đó là chức năng giáo dục, nhiều cha mẹ hầu như đang phó mặc chức năng này cho nhà trường. Sự hiếu nghĩa, thuỷ chung cũng đang có những thay đổi mạnh. Trước đây, chữ hiếu trong gia đình chi phối bởi tư tưởng Nho giáo như phải giữ gìn sự thành kính đối với cha mẹ, chăm sóc cha mẹ lúc còn sống, khi ốm đau, già cả…nay, điều đó đang có nguy cơ phai nhạt. Sự thuỷ chung trong gia đình cũng bị tàn phá, bởi tình trạng ngoại tình ngày càng nhiều và ở cả nam lẫn nữ... 


Đó là những tác động khó tránh khỏi và là những thách thức trong quá trình phát triển để vươn tới sự hoàn thiện. Để tránh những tác động tiêu cực từ bên ngoài, chúng ta nên thay đổi theo hướng bảo lưu truyền thống. Gia đình Việt Nam vẫn là một giá trị bền vững và có sức sống mạnh mẽ. Nó vẫn là nền tảng, là tế bào của xã hội, là nơi lưu giữ, truyền thụ, chuyển giao và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình Việt Nam đang trong bước chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại trên nhiều phương diện và xu hướng khác nhau, cả tích cực và tiêu cực nhưng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ngàn đời nay của gia đình Việt Nam thì vẫn phải đấu tranh, gìn giữ, bởi đó mới là cốt cách, tâm hồn, bản lĩnh con người Việt Nam. 


Hữu Văn 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ