A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban hành Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt là hợp hiến

 

QPTĐ-Trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV và những ngày gần đây, dư luận các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đặc biệt quan tâm đến dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, youtube đã có nhiều cá nhân bày tỏ tâm trạng băn khoăn, lo lắng và cũng có những cá nhân do chưa tìm hiểu kỹ về dự thảo Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt đã tỏ rõ thái độ phản đối trước chủ trương nêu trong Dự luật. Đây chính là kẽ hở, là cơ hội để các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tung tin xuyên tạc, suy diễn các nội dung trong Dự thảo Luật để chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng phát tán những tài liệu,  hình ảnh gán ghép kèm theo lời nói xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chúng lợi dụng lòng yêu nước chân chính của nhân dân để kích động kêu gọi những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết về pháp luật tham gia biểu tình chống đối chủ trương ban hành Luật đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt. Tại một số địa phương như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Thuận… các đối tượng chống đối được sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch đã kích động nhân dân biểu tình tuần hành chống đối chính quyền, cản trở giao thông, đập phá phương tiện, trụ sở chính quyền gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

 

Xây dựng các Khu Hành chính-Kinh tế đặc biệt nhằm tạo động lực cho phát triển đất nước.


Chúng ta cần nhận thức đúng đắn rằng: Việc Dự thảo và thông qua Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV là hợp hiến, hợp pháp. Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nêu rõ: “Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”; “Lựa chọn một số khu có lợi thế đặc biệt để xây dựng đặc khu kinh tế với thể chế có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế”. Quá trình soạn thảo và thông qua Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt, các cơ quan chức năng đã quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và các nghị quyết, kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về việc xây dựng một số đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. 


Xây dựng Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt là hợp hiến, hợp pháp. Ngay trong Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) Khoản 8, Điều 84 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn “Thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt” của Quốc hội. Điều 110, Hiến pháp năm 2013 Hiến định đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là một trong bốn loại đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khoản 9, Điều 70 và Khoản 1, Điều 110 của Hiến pháp cũng đã quy định đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập; Khoản 2, Điều 111 Hiến pháp quy định cụ thể: “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do luật định”. Để thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội đã quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII dự án Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt. Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các đề án thành lập ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV.


Như vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt là hợp hiến, hợp pháp và đúng quy trình, thủ tục. Tuy nhiên, đây là Dự án luật mới, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế chính sách trong Dự thảo Luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; do vậy, cần phải tiếp thu ý kiến góp ý rộng rãi của các bộ, ngành chức năng, các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao nên Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thống nhất lùi thời gian thông qua Dự thảo Luật đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.


Trước sự xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cần đề cao cảnh giác. Nhận diện thực chất âm mưu thủ đoạn của các thế  lực thù địch, cơ hội, chống đối chính trị để không bị chúng lôi kéo vào các hoạt động biểu tình bạo loạn chống đối chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.


PHÚC KIẾN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ