A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quan hệ Trung Quốc-Philippines: Liệu gió đã đổi chiều?

 

QPTĐ-Giới thông tin Trung Quốc và Philippines đồng loạt đưa tin, hai nước đạt được thỏa thuận nâng mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong buổi họp báo quốc tế tại Manila ngày 20-11. Đây là kết quả chuyến thăm chính thức Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trong 2 ngày 20-21/11) sau 13 năm một nguyên thủ quốc gia Trung Nam Hải đặt chân đến Manila. 

 

 

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đánh dấu lần đầu tiên

sau 13 năm một Chủ tịch Trung Quốc thăm Philippines.  

 Ảnh: Reuters 

                   
Dư luận quốc tế cho rằng, sự kiện này là bước ngoặt lịch sử trong quan hệ giữa hai nước. Nhưng liệu có là dấu chấm hết cho những tranh cãi, bất đồng giữa hai nước về chủ quyền biển Đông hay chỉ là sách lược “giấu mình chờ thời”, tranh thủ hợp tác đầu tư, liên kết đồng minh tạm thời trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đầy biến động?


Tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC-2018 tại Papua New Guinea với những tuyên bố cứng rắn, gây sóng gió trên bàn Hội nghị về an ninh biển Đông và tự do thương mại toàn cầu nhằm vào nước Mỹ. Chủ tịch Tập tiếp tục thăm 3 quốc gia Đông Nam Á-Thái Bình Dương: Papua New Guinea, Brunei, Philippines. Đây là các đồng minh truyền thống của Mỹ, đang được Bắc Kinh tranh thủ đối ngoại, gia tăng hợp tác bằng các khoản viện trợ, đầu tư béo bở nhằm lôi kéo họ “gần Trung, xa Mỹ”? Chuyến công du của Chủ tịch Tập được xem là thành công nhất ở Philippines. 


Hiệu quả từ cuộc đàm phán cấp cao, Tổng thống Philippines R.Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến Lễ ký 29 văn kiện hợp tác đầu tư giữa hai nước trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, nông nghiệp, giáo dục, cơ sở hạ tầng, khai thác dầu khí chung trên biển Đông. Trung Quốc muốn Philippines tham gia tích cực vào Dự án Vành đai-Con đường quốc tế; đồng thời, viện trợ cho Manila 10.000 tấn gạo hỗ trợ người dân vừa trải qua bão lũ, hứa cấp 50 suất học bổng Chính phủ cho sinh viên, cam kết nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp (dừa, hoa quả đông lạnh), tham gia tái thiết cơ sở hạ tầng thành phố Marawi.

 

Trước đó, Ngoại trưởng Vương Nghị đến thành phố Davao, quê hương của Tổng thống R.Duterte, khai trương Lãnh sự quán mới của Bắc Kinh. “Tổng thống R.Duterte và tôi đã nhất trí nâng tầm quan hệ của chúng ta thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Tầm nhìn này thể hiện rõ lộ trình cho quan hệ Trung Quốc-Philippines và gửi thông điệp tới toàn thể thế giới rằng, hai nước chúng ta là đối tác cùng nhau tìm kiếm sự phát triển chung”-Chủ tịch Tập khẳng định. 


Sau 2 năm cầm quyền, Tổng thống R.Duterte trông chờ vào khoản vay 24 tỉ USD của Trung Quốc (từ năm 2016) để xây dựng hệ thống hạ tầng. Ông R.Duterte kỳ vọng Chủ tịch Tập sẽ “bật đèn xanh” khởi động cam kết bị lãng quên này do căng thẳng, tranh chấp trên biển Đông. Được biết, Trung Quốc mới tham gia 3/75 dự án quy mô lớn mà Chính phủ Manila đưa ra, trong đó có 2 cây cầu và 1 công trình thủy lợi trị giá 167 triệu USD. Còn lại 3 dự án đường sắt, 3 dự án đường cao tốc, 9 cây cầu vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, dài cổ chờ đợi vốn? Trong năm 2018, Trung Quốc đầu tư vào Manila 33 triệu USD, bằng 2/5 so với Mỹ và 1/7 so với Nhật Bản; trong khi thương mại tăng khá, Trung Quốc xuất khẩu tăng 26% và nhập khẩu tăng 9,8% đối với Philippines. Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines S.Panelo cho hay: “Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của chúng tôi, là thị trường xuất khẩu hàng đầu, là một trong những nguồn khách du lịch dồi dào nhất của Philippines”.


Quan hệ Bắc Kinh và Manila xấu đi dưới thời cựu Tổng thống B.S.Aquino III, khi Manila phát đơn đệ trình Liên hợp quốc, kiện Trung Quốc xâm chiếm biển đảo. Tháng 7-2016, Tòa Thường trực Trọng tài Liên hợp quốc có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc về biển Đông. Manila bất ngờ chiến thắng. Bắc Kinh không thừa nhận phán quyết của Tòa Thường trực Liên hợp quốc nhưng đuối lý, bị thất thế trên trường quốc tế.

 

Cùng thời gian đó, Trung Quốc đẩy mạnh xây đắp đảo trên biển Đông, trong đó có bãi cạn Scarborough  (Philippines). Hiện, Quân đội Trung Quốc đã triển khai binh sĩ, vũ khí (pháo binh, tên lửa, tàu chiến, máy bay chiến đấu) trên các đảo nhân tạo. Một cuộc khảo sát ở Philippines cho thấy, 85% số người được hỏi phản đối chính quyền Manila gần như không làm gì trước các hành động bành trướng của Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp. Trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, khoảng 150 người thuộc Hiệp hội Pamalakaya biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila với khẩu hiệu: “Trung Quốc hãy rời đi! Philippines là của chúng tôi!” Người ta sợ gánh nợ như Trung Quốc đã mang đến châu Phi, Sri Lanka, Pakistan, Malaysia, bởi 50% trong số 75 dự án được hoàn thành trong nhiệm kỳ đầu của ông R.Duterte?


Tổng thống R.Duterte chủ trương giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc sau sự kiện biển Đông. Ông cũng điều tiết quan hệ, không quá phụ thuộc vào Mỹ nên phần nào đẩy mối quan hệ đồng minh hơn 70 năm giữa hai nước vào khủng hoảng dưới thời Tổng thống B.Obama. Nhưng “vận đen” kia lại là cơ hội để Bắc Kinh và Moskva bắt tay với Chính phủ Manila, giúp ông R.Duterte chống khủng bố, ủng hộ chiến dịch truy quét tội phạm ma túy được phát động trong 2 năm qua gây nhiều tranh cãi. Trung Quốc, Nga lập tức “xắn tay” giúp đỡ Philippines thiết bị hậu cần, súng trường, đạn dược nhằm tấn công, trấn áp tội phạm, diệt phiến quân khủng bố đang trỗi dậy, trong khi Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự cho Manila. Việc Manila ngỏ ý mau số lượng lớn vũ khí của Nga, Trung Quốc, trong đó có hợp đồng mua tàu ngầm Nga làm Mỹ không hài lòng. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Schrive từng lên tiếng cảnh báo sự vụ này.


Giới phân tích chính trị cho rằng, Philippines khó có thể thoát khỏi sự phụ thuộc, ràng buộc với Mỹ trong tương lai gần. Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc; Mỹ không chỉ có các căn cứ quân sự đóng trên lãnh thổ mà Hiệp ước quân sự Mỹ-Philippines đã gắn kết họ với nhau, mặc dù có lúc bất đồng nổi sóng. Quốc hội Mỹ vừa thông qua gói viện trợ 300 triệu USD dành cho các đồng minh châu Á mà Manila là một ưu tiên. Trong khi khoản ngân sách quốc phòng Mỹ năm tài khóa 2019 kỷ lục 716 tỉ USD có phần không nhỏ trong chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc không dưới một lần cam kết, sẽ bảo vệ Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông. 


NHẬT MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ