A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những lực lượng khủng bố đe dọa an ninh toàn cầu?

 

Nga và các quốc gia trên toàn thế giới vừa kỷ niệm 71 năm Ngày Chiến thắng phát xít 9-5 (1945-2016), kết thúc thảm họa Thế chiến II đẫm máu và nước mắt do Đức Quốc xã và phe trục phát xít gây ra. Ôn cố tri tân, những Cựu chiến binh Hồng quân Liên Xô năm xưa ngực lấp lánh Huân chương hãnh diện dưới bóng cờ hồng trên Quảng trường Đỏ có quyền tự hào góp công đầu cùng Đồng minh tiêu diệt phát xít. Hôm nay, họ vẫn bị ám ảnh của các phần tử khủng bố quốc tế, các tổ chức cực đoan hòng khôi phục chủ nghĩa phát xít mới ở châu Âu? Thế giới đang phải đương đầu với sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố là một thực tế không thể phủ nhận!

 

 

Khủng bố quốc tế IS. (Ảnh Internet)

 

Chiến tranh Thế giới II (1939-1945) do A.Hitler-Quốc trưởng Đức đứng đầu phe trục phát xít: Đức-Ý-Nhật phát động. Chúng đã xâm chiếm 90% diện tích châu Âu và cả vùng đất đai rộng lớn châu Á, châu Phi. Cuộc chiến tàn khốc này thu hút nhân tài, vật lực mọi lục địa trên thế giới (trừ châu Nam cực và Nam Mỹ) được cho là đẫm máu, thảm khốc nhất trong lịch sử.

 

Đã có khoảng 62 triệu người bị thiệt mạng, 60% là thường dân. Liên Xô bị thiệt hại nặng nề nhất về hạ tầng cơ sở, phố xá, làng mạc, hơn 27 triệu người chết. Sau đến Trung Quốc hơn 10 triệu người, Đức 9,7 triệu người, khoảng 6 triệu trong tổng số 16,7 triệu người Do Thái, bị giết và thiệt mạng trong trại tập trung. Ba Lan 5,6 triệu người chết chiếm tỉ lệ 16% dân số.

 

Nhật Bản trong phe trục phát xít gây chiến, lại là nước duy nhất hứng chịu 2 quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hirosima, Nagasaki làm gần 400 ngàn người chết tại chỗ và hàng trăm ngàn người Nhật và người nước ngoài bị Nhật bắt đi lao dịch chết dần mòn theo năm tháng! Thế chiến II kết thúc sau khi Hồng quân Liên Xô và Đồng minh công phá Berlin, hang ổ của Đế chế phát xít Đức. Nhà độc tài A.Hitler chết mất xác (5-1945), trùm phát xít Ý Mutsomoli phải lên giá treo cổ và Nhật hoàng phải đầu hàng phe Đồng minh (8-1945).

 

Phe trục phát xít tan rã. Nhân loại phải biết ơn Hồng quân và nhân dân Liên Xô kiên cường anh dũng, chịu đựng hy sinh, đánh bại 200 sư đoàn quân Đức và chư hầu thiện chiến với hàng chục ngàn máy bay, xe tăng, đại bác. Phát xít Đức bị tiêu diệt, Hồng quân tuyên chiến với Nhật và nhanh chóng xóa sổ đội quân Quan Đông hơn 1 triệu tên, góp phần giải phóng Trung Quốc và châu Á. Giới nghiên cứu lịch sử khẳng định, chủ nghĩa phát xít không thể thổi bùng lên cuộc chiến, nếu không có nhà độc tài A.Hitler-Quốc trưởng Đức?

 

Nhân loại sẽ chìm trong biển máu và ách nô dịch của hiểm họa phát xít: Đức-Ý-Nhật, nếu chúng không bị Hồng quân Liên Xô đánh cho tan tác? Bài học đó hôm nay còn nóng bỏng trong cuộc chiến chống khủng bố, xung đột vũ trang với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

 

Tổ chức khủng bố Taliban hoành hành ở Afghanistan từ những năm 80 thế kỷ XX. Sau đến Al-Qeada thành lập năm 1988, thâu tóm những tay súng Hồi giáo cực đoan người Sunni do Osama bin Laden cầm đầu. Tổ chức phiến quân Al-Qeada được Mỹ huấn luyện, hậu thuẫn đã một thời làm mưa làm gió khắp vùng Trung Á, Trung Đông, châu Phi. Tổ chức “chân rết” của Al-Qeada có mặt ở Iraq, Syria, Libya, Yemen, Somalia, Kenya, Niger, Tunisia, Algeria, Mauritania, Mali, Cotedlvory, Burkina Faso, Afghanistan, Pakistan, Bangladesh, Myanmar, Indonesia…

 

Do làn sóng cực đoan hóa của chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo, Al-Qeada quay sang chống lại các hệ tư tưởng dân chủ khác trong đó có cả Mỹ, Nga và phương Tây. Thủ lĩnh Bin Laden bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt (5-2011) ở Pakistan, Al-Qeada coi như một tổn thất nghiêm trọng. Liền sau đó là các tên trùm khủng bố bị giết hoặc bị bắt như A.al-Awlaki- nhà tuyển dụng cao cấp; Tư lệnh chiến trường A.al-Zarqawi; chuyên gia kế hoạch tác chiến A.al-Libi Layth; chuyên gia vũ khí hóa học A.al-Khabab; Giám đốc tài chính S.al-Masri. Bồi đến vệ sĩ, lái xe và con trai của Bin Laden cũng bị tiêu diệt. Tuy vậy, sau 5 năm vắng bóng trùm khủng bố Bin Laden, mạng lưới Al-Qeada đã phát triển phân nhánh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tàn bạo, nguy hiểm hơn.

 

Sau những bất mãn trong hàng ngũ Al-Qeada, nhân vật A.al-Zawahiri ngoi lên nắm quyền, tách nhánh ở Iraq thành lập tổ chức Nhà nước Hồi giáo-IS tự xưng (2-2014). Đến tháng 6-2014, tức là chỉ sau 4 tháng, IS đã chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Iraq, Syria. Tổ chức này phát triển nhanh chóng chưa từng thấy, có lực lượng mạnh ở Libya, Ai Cập, Algeria, Yemen, Saudi Arabia (cuối năm 2014); Pakistan, Afghanistan, Nigeria, Ấn Độ (đầu năm 2015), vùng Bắc Caucacus, Nga (giữa năm 2015).

 

Phiến quân Hồi giáo có bộ máy tổ chức từ trung ương đến cơ sở, quân đội được huấn luyện kỹ và có kỷ luật hà khắc. Chúng sử dụng các chuyên gia có tính chuyên nghiệp mạng xã hội phục vụ truyền thông và tuyên truyền khá hiệu quả nhằm nhồi nhét tư tưởng Hồi giáo cực đoan và tuyển dụng binh sĩ, kêu gọi ủng hộ tài chính. Sau hơn 2 năm dấy nghiệp, Hồi giáo IS đã chứng tỏ sự vượt trội hơn hẳn “bậc thầy” Al-Qeada về mở rộng lãnh thổ, chiêu mộ chiến binh, được xem là nỗi khiếp đảm đối với dân chúng khu vực Trung Đông, Bắc Phi; ít nhất cũng là ở Iraq, Syria, Yemen, Nigeria?!

 

Phiến quân IS nhận trách nhiệm đánh bom máy bay chở khách Nga trên bầu trời Ai Cập. IS bị đánh tả tơi ở Syria kể từ khi Nga tham chiến chống khủng bố (30-9-2015), sau đó Mỹ dồn dập tấn công IS ở Iraq. Số phận của tổ chức Hồi giáo này có thể được định đoạt sớm nếu như Mỹ, Nga thực sự bắt tay nhau chống khủng bố? Tại Syria, Mặt trận Al-Nusra- chi nhánh Al-Qeada có tổ chức mạnh ở miền Bắc, lại liên kết với các lực lượng quân nổi dậy địa phương, gây không ít khó khăn cho Chính phủ của Tổng thống B.al-Assda.

 

Tổ chức Al-Qeada có mạng lưới khắp cả các quốc gia Á, Phi. Đây được xem là mối đe dọa trước mắt và lâu dài khi các nhóm khủng bố này khá hùng mạnh. Tổ chức Al-Qeada ở Arab (AQAP) hoạt động khá mạnh ở Yemen, Algeria, Ai Cập và tham gia khủng bố châu Âu. Phiến quân AQAP tấn công Tòa soạn báo Charlie Hebdo (thủ đô Paris, tháng 1-2015) sát hại 12 người, gây chấn động nước Pháp; nổ bom ở Brussels, Bỉ (3-2016).

 

AQAP có hàng ngàn tay súng, cạnh tranh với quân Hồi giáo Houthis chiếm một vùng đất rộng lớn ở Yemen. Al-Qeada gây ra nhiều vụ khủng bố nhằm vào người phương Tây ở Mali, Bờ Biển Ngà, Burkina và các nước Tây Phi. Tổ chức phiến quân Boko Haram gây bất ổn ở Nigeria, cũng như Al-Qeada hoành hành ở Somalia, Bắc Phi, Tunisia gây nhiều đau khổ cho thường dân. Giới chính trị dự báo, quân khủng bố Al-Qeada sẽ bị đánh bại trong tương lai nhưng không thể trong thời gian gần, ít nhất cũng phải hàng thập kỷ nữa!

 

Hà Ngọc

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ