A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ ngày 10 tháng 10 năm 1954

 

QPTĐ-Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”, Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ, đồng thời rút hết quân về nước. Đúng 8 giờ ngày 10/10/1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào 5 cửa ô, tiếp quản Thủ đô sau 9 năm bị tạm chiến, Hà Nội từ đây sạch bóng quân thù, rực rỡ cờ hoa, đón chào các đoàn quân chiến thắng trở về.…

 

 

Đón chào Đoàn quân chiến thắng trở về. 

  Ảnh: Tư liệu 

                   

 

Đầu tháng 10-1954, từ Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, vượt sông Hồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ đã sang thị xã Sơn Tây. Người ở và làm việc tại thôn Phù Sa, xã Viên Sơn nhằm kịp thời theo dõi tình hình và chỉ đạo mọi hoạt động cho ngày Thủ đô được giải phóng, để trong thời gian ít nhất, có thể xuôi theo đường quốc lộ 32, về Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Cầu Giấy vào nội thành Hà Nội nhanh nhất. Người đã viết và chuẩn bị nhiều bài viết cho ngày Thủ đô giải phóng. Như các bài “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng”, “Giữ gìn trật tự an ninh”, “Ổn định sinh hoạt”, với bút danh CB, đăng báo Nhân Dân số 237, ngày 10-10-1954, số 238, ngày 13-10-1954 và những ý tưởng để động viên tới từng giới, từng ngành, từng lứa tuổi, công chức, giáo viên, học sinh, thanh niên, công nhân, bác sĩ, bộ đội, công an, giới tu hành của các tôn giáo… đoàn kết mọi nguồn lực để tái thiết, xây dựng, bảo vệ Thủ đô sau ngày giải phóng.


Trong khi đó, tại Thủ đô Hà Nội, mọi lực lượng chính trị, quân sự, an ninh, các giới khẩn trương theo dõi tình hình rút lui, chuyển quân của giặc Pháp và quân đội, chính quyền nguỵ, không cho chúng phá hoại các công sở, nhà máy, di tích lịch sử, văn hoá… Thành ủy Hà Nội phân công cán bộ cùng toàn thể nhân dân chuẩn bị cờ, ảnh Bác Hồ, hoa, đón chào Đoàn quân của Bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản, giải phóng Thủ đô, Lễ mít tinh chào mừng ngày Thủ đô giải phóng.


Ngày 8/10/1954, quân Pháp đã phải để một đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam vào Hà Nội làm công tác chuẩn bị tiếp quản. Tiểu đoàn 18 Bình Ca, thuộc Trung đoàn Thủ đô với 214 cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn, trang phục chỉnh tề, gọn gàng nhanh chóng tiếp cận và nhận bàn giao 35 vị trí đóng quân của quân Pháp trong hai ngày 8 và mùng 9 tháng 10. Tiếp đó, cũng trong ngày 9 tháng 10, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca đã thực hiện một loạt công việc phối hợp với cơ sở trong nội thành, chuẩn bị cho ngày tiếp quản chính thức. 14h30’ ngày 9 tháng 10, đơn vị quân Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên về Hải Phòng.


Đúng 5 giờ sáng ngày 10 tháng 10 năm 1954, từ 5 cửa ô, các đơn vị quân đội đã rầm rập tiến vào nội thành Hà Nội trước sự hân hoan chào đón của hàng vạn người dân Thủ đô. Sau 71 năm (từ 1883 đến 1954), Hà Nội đã không còn sự hiện diện của quân Pháp. Sau hơn 7 năm, kể từ tháng 2/1947 đến tháng 10/1954, những cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô và các đơn vị khác của Mặt trận Hà Nội, cùng hàng vạn người dân đi theo kháng chiến, nay mới có dịp trở về Thủ đô thân yêu của mình.


Lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội là các đơn vị quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ và chỉ thị trực tiếp các đơn vị thuộc Đại đoàn 308-Quân Tiên phong về nhiệm vụ khó khăn và quan trọng này. Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhân dân thế giới, đối với miền Nam và các nước dân chủ. Cho nên các cháu cần nhận rõ: tiếp quản phải thận trọng, chu đáo; tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; chống mọi hành động phá hoại…”. Kết thúc cuộc gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc: “Đồng bào Hà Nội mong chờ các cháu từ ngày các cháu ra đi. Nay may cờ đỏ sao vàng chờ đợi, hoan hô các cháu, hãy xứng đáng với vinh dự, trách nhiệm đó”.


Tiếp quản Hà Nội là công tác trọng tâm, quan trọng nhất sau khi miền Bắc đã ngừng chiến sự. Vì thế, Trung ương Đảng, Chính phủ đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Quân đội tiếp quản, Đảng bộ Hà Nội và Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức các tầng lớp nhân dân, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, viên chức công sở, học sinh, sinh viên trong các trường học đấu tranh chống địch phá hoại, tháo dỡ máy móc, nguyên vật liệu mang đi hoặc tiêu hủy hồ sơ, giấy tờ; chống cưỡng ép di cư vào miền Nam…


Trong thời gian tiếp quản đã diễn ra các cuộc đấu tranh tập trung bảo vệ nguồn điện, nước, đảm bảo giao thông liên lạc, đảm bảo đời sống bình thường của người dân không bị xáo trộn, đảm bảo vệ sinh đường phố. Các cuộc đấu tranh quyết liệt diễn ra ở Nhà máy điện Yên Phụ, nhà đèn Bờ Hồ, Bưu điện thành phố, ga Hàng Cỏ, ga Gia Lâm, Sở Lục lộ (giao thông), Công ty vệ sinh và một số nhà máy khác. Kết quả của gần 3 tháng kiên trì đấu tranh, thuyết phục, nhân dân Thủ đô đã giữ được gần như nguyên vẹn máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, hồ sơ ở các nhà máy, xí nghiệp, công sở, trường học, bệnh viện quan trọng; làm thất bại một phần âm mưu, kế hoạch dồn dân các tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ như: Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định về Hà Nội để đưa xuống Hải Phòng di cư vào Nam. Phần đông người dân Hà Nội đã ở lại đón chào ngày giải phóng Thủ đô.


Gần một tuần trước ngày 10 tháng 10 năm 1954, Đoàn cán bộ công an trật tự, cảnh vệ, hành chính do đồng chí Trần Danh Tuyên dẫn đầu, đã vào Hà Nội tiếp xúc với Bộ chỉ huy quân Pháp để chuẩn bị công tác bàn giao các công sở, công trình lợi ích công cộng, các vị trí quân sự của quân Pháp và của chính quyền Bảo Đại…


Sau khi cơ bản hoàn thành việc tiếp quản vào sáng 10 tháng 10, đến 15 giờ chiều cùng ngày, một cuộc mít tinh mừng sự kiện Thủ đô được hoàn toàn giải phóng đã diễn ra tại sân vận động Cột Cờ. Trước lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc cột cờ, trước hàng vạn người dân Thủ đô tham dự, đồng chí Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố khi đó, đọc Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Ngân Mỹ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ