A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chào năm học mới

 

Hàng năm, “cứ mỗi độ thu sang, hoa cúc lại nở vàng” lại là mùa tựu trường rộn rã. Tiếng trống khai trường vang lên trên khắp núi đồi, làng quê, khối phố và đâu đâu cũng ríu rít tiếng cười, tiếng hát. Mùa tựu trường năm nào cũng vậy, tưng bừng niềm vui và chứa chan hy vọng.

 

 

Ngành Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vừa hoàn thành chương trình giáo dục và đào tạo năm học 2016-2017 với những thành tích đáng kể. Cả nước có gần 15.000 trường mầm non; 15.050 trường tiểu học; 10.200 trường trung học cơ sở; 2939 trường trung học phổ thông và hàng chục nghìn trung tâm học tập cộng đồng; Trung tâm ngoại ngữ, tin học, trên 700 trường cao đẳng, trung cấp sư phạm… Đội ngũ giáo viên với gần 320.000 giáo viên mầm non, hơn 397.000 giáo viên tiểu học, hơn 3 triệu giáo viên THCS, 160.000 giáo viên THPT và 72.000 giảng viên đại học. Toàn ngành có 5.700 trường mầm non, 8167 trường tiểu học, 4573 trường THCS, 816 trường THPT… đạt chuẩn Quốc gia, tăng so với năm học 2016-2017… Bước sang năm học mới 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phát huy công tác quản lý, điều hành thành công trong năm học vừa qua,  Bộ đã ban hành 9 nhóm nhiệm vụ, 5 giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh. Quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước công luận, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội. Đó là các nhiệm vụ về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; về công tác giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; về hội nhập quốc tế; về tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục; về nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực và về  phân luồng và định hướng nghề nghiệp. 5 nhóm giải pháp bao gồm giải pháp về pháp chế với tâm điểm là sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, đẩy mạnh cải cách hành chính. Nhóm giải pháp về  nâng cao năng lực lãnh đạo cán bộ quản lý giáo dục các cấp; giải pháp về tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; nhóm giải pháp về tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục và giải pháp về việc đẩy mạnh công tác truyền thông.

 

Nước ta đã đi qua ba cuộc cải cách, đổi mới giáo dục. Lần thứ nhất vào năm 1950 với mục tiêu xây dựng một nền giáo dục của dân, vì dân; Cuộc cải cách lần thứ 2  vào năm 1956, nhằm hướng tới đào tạo, bồi dưỡng thế hệ thanh niên trở thành những công dân tốt, có tài đức. Năm 1981, cuộc cải cách và đổi mới lần thứ 3, tiến hành đồng bộ cả về hệ thống giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học. Mỗi cuộc đổi mới đều có nội dung, tính chất phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thế giới. Những kết quả đạt được là rất khả quan trong việc thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, như Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) đã kết luận, đến nay giáo dục và đào tạo nước ta vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu để làm động lực quan trọng nhất cho phát triển. Chính vì vậy, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo thành công, là đòi hỏi và là đòn bẩy quan trọng nhất để phát huy cao nhất nguồn lực con người trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tiếng trống trường khai giảng năm học mới 2017-2018 đã nổi, một năm học mới đã bắt đầu, đem theo nhiều kỳ vọng mới về những thành tựu rực rỡ hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

 

Hữu Văn 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ