A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trách nhiệm của mỗi người

 

Chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công còn khó khăn, khi vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính. Những điều này để lại nỗi đau khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi cán bộ chúng ta-Đó là lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ. Đó còn là điều trăn trở của  gia đình thân nhân các liệt sỹ, của các thương, bệnh binh, người có công và  đó còn là niềm trăn trở của toàn Đảng, toàn dân ta khi công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” đã được thực hiện trong cả một chặng đường lịch sử 70 năm nhưng vẫn còn đó biết bao công việc cần phải làm, biết bao công việc chưa trọn vẹn…

 

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có trên 9 triệu người có công, gần 1,2 triệu liệt sỹ, gần 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt, khoảng 300 nghìn hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính, trong khi ngay trong cuộc sống đương đại vẫn có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương trong cuộc chiến chống các loại tội phạm, trong công tác cứu hộ, cứu nạn, trong huấn luyện… trên khắp nẻo đường đất nước, khắp các vùng miền, nơi biên cương, hải đảo. Để đền đáp, tôn vinh sự hy sinh, cống hiến to lớn của các Anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được hoàn thiện. Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi người có công từ ngân sách Nhà nước, công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” huy động được các nguồn lực xã hội, có hiệu quả thiết thực. Các phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”, nhận phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng được đẩy mạnh; các chương trình xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”… được duy trì, phát triển rộng khắp ở các địa phương.

 

Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công và giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng được chú trọng. Đến nay, đã có hơn 9 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ, 127.000 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 800.000 thương binh, bệnh binh; hàng trăm nghìn người bị địch bắt, tù đày, bị nhiễm chất độc hóa học…đã được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng mức sống của 97% số gia đình người có công, bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Mặt khác, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu với ý chí và nghị lực phấn đấu vượt khó vươn lên trong công tác, chiến đấu, lao động, sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đi đầu trên trận tuyến chống đói nghèo, lạc hậu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

 

“Những kết của công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” trong 70 năm qua đã phần nào xoa dịu nỗi đau, mất mát của người ở lại, thể hiện trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc-Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  nói-Tuy nhiên, chúng ta cần nhấn mạnh rằng, chúng ta không được phép tự hài lòng về những kết quả đã đạt được”. Đó còn là trách nhiệm và tình cảm của mỗi chúng ta.

 

Hữu Văn 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ