A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bỏ thờ cúng là bất kính đối với tổ tiên

 

QPTĐ-Phong tục thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là tục lập bàn thờ người thân qua nhiều thế hệ ở nhà và cúng bái hàng ngày hoặc trong những dịp sóc vọng, giỗ, Tết... Đối với người Việt, phong tục thờ cúng tổ tiên gần như trở thành một thứ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà, nhưng  đây không phải là một tôn giáo mà xuất phát từ lòng thành kính của người Việt đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên và những người thân trong gia đình. Đây là một tín ngưỡng rất quan trọng và không thể thiếu trong phong tục Việt Nam và là một thành tố tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc riêng có của Việt Nam. Phong tục thờ cúng tổ tiên còn thể hiện đạo hiếu của con cái đối với các thế hệ cha ông trước đó, là lòng thành kính tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của  các bậc tiền nhân, là sự tưởng nhớ đến cội nguồn của mình và cũng là sự thể hiện đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Đây chính là nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam cần được lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau.

 

 

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là bản sắc văn hóa của người Việt.
                                 Ảnh: Internet


Thật đáng tiếc là gần đây, trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các luồng văn hóa xấu độc, lai căng đang có chiều hướng xâm lấn, thẩm lậu ngày sâu hơn vào đời sống tinh thần của một bộ phận nhân dân nhất là thế hệ trẻ. Sự băng hoại, xuống cấp, suy đồi về nền tảng đạo đức, sự tha hóa về lối sống đang là nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, để lại hậu quả khôn lường, làm phai mòn giá trị đạo đức, truyền thống, lối sống, văn hóa truyền thống tốt đẹp, lành mạnh của dân tộc.

 

Dư luận xã hội mấy ngày gần đây đang cực lực lên án và bày tỏ sự lo lắng trước sự xuất hiện và hoành hành của cái gọi là “Hội thánh đức chúa trời mẹ” đã và đang hoạt động truyền đạo trái pháp luật ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước với các thủ đoạn như: Giảng kinh thánh thông qua sách không có nguồn gốc; uống nước thánh; dụ dỗ, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin, nhất là các nữ sinh viên, những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bế tắc…dẫn đến sự nghiệp học tập của học sinh dang dở, tinh thần suy sụp, mê muội, mất lý trí,  về nhà đập phá bàn thờ, bát hương, không ăn đồ cúng, từ bỏ phong tục phụng thờ cha mẹ, tổ tiên; đóng tiền để phụng sự hội thánh… đã gây nên bao thảm cảnh tan cửa, nát nhà của nhiều gia đình.

 

Gia đình là tế bào của xã hội, sự xuống cấp về đạo đức, nát tan về gia đạo, gia phong của từng “tế bào” sẽ dẫn đến sự gặm nhấm, ăn mòn và tha hóa của một “cơ thể sống” là xã hội. Bỏ phong tục thờ cúng là hành vi bất kính với tổ tiên, là biểu hiện của sự băng hoại xuống cấp về đạo đức, là sự phủ nhận quá khứ cần phải bị lên án, ngăn chặn kịp thời. 


Bảo vệ nền văn hóa, xây dựng và giữ gìn, bảo tồn, pháp huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc là một nội dung nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra. Bản sắc văn hóa Việt Nam như mạch ngầm chảy trong dòng lịch sử dân tộc ta trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.  Nếu để tình trạng truyền đạo trái pháp luật, nếu để tình trạng tha hóa, băng hoại về văn hóa, đạo đức của nhân dân kéo dài sẽ là nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tảng chính trị tinh thần của cả một dân tộc.

 

Các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm. Kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm về văn hóa, đạo đức. Siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại. Tăng cường phối hợp liên ngành đấu tranh chống sự lai căng, nô dịch, ngăn chặn kịp thời tình trạng truyền đạo trái pháp luật và hoạt động của các hội, nhóm tội phạm về văn hóa để giữ gìn sự lành mạnh của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.  


PHÚC KIẾN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ