A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác sống như trời đất của ta!

 

QPTĐ-Tháng Năm. Hà Nội ngập đầy nắng và gió. Cùng với cả nước, đồng bào và chiến sĩ Thủ đô đang sống trong không khí ngày đại lễ. Mỗi người dân đất Việt, con Lạc, cháu Hồng tràn ngập niềm tự hào, hân hoan chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020). 

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969)


Năm nay có 4 ngày nghỉ Lễ mừng Chiến thắng 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, đường phố Hà Nội ngập tràn sắc cờ hoa, băng zôn, khẩu hiệu đón mừng ngày lễ trọng mà vẫn bảo đảm quy định về một không gian thanh bình, tĩnh lặng, mang âm sắc khoảng cách phòng dịch bệnh Covid-19. 


Hà Nội bình yên đến lạ kỳ, khác hẳn với những ngày lễ, tết hàng năm! 


Hồ Hoàn Kiếm lăn tăn sóng gợn. Tháp Rùa rêu phong, trầm mặc, soi bóng nước, trên nền không gian xanh đền Ngọc Sơn cổ kính, phần phật tung bay lá Quốc kỳ nền đỏ Sao vàng thấm máu xương của hàng triệu triệu người con đất Việt, các thế hệ đã và đang nối tiếp nhau dựng xây đất nước. 


Quảng trường Ba Đình lộng gió. Nắng vàng rực rỡ. Nắng trải đều khắp từ các thảm cỏ xanh kéo dài, phủ tràn đầy khu di tích Phủ Chủ tịch. Bất giác, trong mỗi chúng ta trào dâng nỗi nhớ Bác Hồ. 


Cũng tại Quảng trường này đây, buổi chiều ngày 2/9 của 75 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Chúng ta-Những người dân Việt Nam, từ thân phận nô lệ, lầm than bỗng vươn dậy, “vụt sáng lòa”, trở thành người chủ của nước Việt Nam độc lập.


Tản bộ trên hè đường Trần Phú, Lê Hồng Phong (quận Ba Đình) râm mát, xanh non tán lá sấu già, văng vẳng tiếng ve đầu Hạ. Đâu đó, trong veo tiếng hát ngâm của cô ca sĩ Nam bộ: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha/ Bác nghe từng bước trên tiền tuyến/ Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa”. 


Dạo bước trên đường Hùng Vương, lòng ta nghẹn lại. Vẳng đâu đây lời bài thơ “Viếng Lăng Bác” của Viễn Phương, Hoàng Hiệp phổ nhạc. “Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng/ Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ/ Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa Xuân”. 


Bác Hồ có mong ước vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt mà chưa toại nguyện. Từ năm 1911, trên bến cảng sông Sài Gòn, chàng trai Nguyễn Tất Thành xuống tàu đi tìm đường cứu nước. Bôn ba khắp năm châu bốn biển hơn ba chục năm, từ thuở trẻ trai đến khi tóc pha sương, trở thành Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Già Ké-Hồ Chí Minh, Người vẫn chưa có một lần trở lại Nam bộ. Bác nói: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. “Dù ở xa nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ. Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta”. Bác khẳng định: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”. “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. 


Thực hiện lời dạy của Bác, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, quân và dân hai miền Nam Bắc gắng sức thi đua giết giặc lập công, xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, sớm đón Bác vào thăm đồng bào Nam bộ nhưng không kịp nữa rồi. Bác đã đi xa! Bác về với thế giới người hiền! Nỗi đau thương, mất mát quá lớn-Cả đất nước, cả dân tộc chịu tang Người, khiến nhà thơ Tố Hữu không kìm được “Nỗi đau non nước, nỗi năm châu”. “Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!/ Mùa Xuân đang đẹp, nắng xanh trời/ Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội/ Đón Bác vào thăm, thấy Bác cười”. 


Thưa Bác! Ngày Bắc Nam sum họp một nhà đã đến. Sau chiến thắng “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” là chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” 1972 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, non sông thu về một mối. Lớp lớp cháu con đã thực hiện trọn vẹn lời hứa với Người, giải phòng hoàn toàn miền Nam. Những người con của miền Nam “thành đồng Tổ quốc” và đồng bào, chiến sĩ cả nước ngày ngày vẫn đến bên Người với tấm lòng thành kính, biết ơn, giản dị như những cây tre Việt Nam đứng gác bên Lăng vậy. “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác/ Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/ Ôi, hàng tre/ Xanh xanh Việt Nam/ Bão tố mưa sa vẫn thẳng hàng”. 


Và Bác đâu chỉ có “nỗi nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”! Vẫn còn đây “Đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ/ Bác đi từ ở chiến khu, Bác về/ Phố phường, trận địa, nhà máy, đồng quê/ Đều in dấu dép Bác về, Bác ơi!” Không chỉ đến với Khu di tích Phủ Chủ tịch, đến với Nhà lưu niệm, Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ở khắp đây đó, núi đồi, đồng ruộng, sông biển đều hiển hiện hình ảnh Bác Hồ! Chúng ta vững tin hơn có những giây phút được sống bằng tình thương yêu bao la mà Bác đã để lại cho đất nước, cho dân tộc.

 

Như vẫn còn đây, hình ảnh Bác đến thăm Nhà máy Cơ khí Gia Lâm; Bác xắn cao quần tát nước chống hạn ở cánh đồng Nghiêm Xuyên (Thường Tín); Bác đến thăm trận địa phòng không Hà Nội, chia kẹo cho bộ đội, dân quân. Và đây nữa, Bác cùng bà con xã Vật Lại trồng cây mùa Xuân trên đồi Đồng Váng (Ba Vì) sáng mồng 1 Tết Kỷ Dậu 1969! Thật là, “Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ Mong manh áo vải, hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.


Tại cuộc hội thảo quốc tế “Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam-Danh nhân văn hóa thế giới” sau khi Tổ chức Giáo dục-Văn hóa-Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Nhà văn hóa kiệt xuất” (1987), có tác giả tham luận: Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một Anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập tự do của các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lý trên thế giới.

 

Một Viện sĩ nước ngoài ngợi ca: “Hồ Chí Minh là bậc đại nhân, đại nghĩa, đại dũng, đại trí, đại tín!” Và với những người con đất Việt, hình ảnh Bác Hồ gần gũi, thân thương lắm: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”. “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già”. 


Hà Nội-Tháng 5 năm 2020

Tùy bút của Kiều Hà Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ