A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

35 năm đổi mới

 

QPTĐ-Khẳng định những thành tựu trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam”.

Ảnh minh họa (Internet)

Sự đổi mới rõ rệt nhất không chỉ người dân Việt Nam, mà bạn bè trên thế giới đều nhận biết, đó là sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng khá cao, liên tục và bao trùm, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Đó là một sự thay đổi mạnh mẽ, căn bản, bền vững như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay”.

Trong suốt quá trình chuyển mình từ một nền kinh tế lạc hậu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng XHCN, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu như tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4.4% GDP bình quân hàng năm trong  giai đoạn (1986-1990), đến giai đoạn (1996-2000), tốc độ tăng GDP đã đạt 7%. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, tốc độ tăng GDP bình quân đạt mức 6,8%. Năm 2020, mặc dù kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng vẫn đạt tăng trưởng gần 3%, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ ổn định. Tỷ lệ lạm phát dần được kiểm soát. Nhiều động lực tăng trưởng mới được xây dựng. Môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng cao. Nước ta đã  ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương. Gần đây nhất, là hai hiệp định EVFTA và RCEP  cho thấy, quan hệ FTA với các nền kinh tế lớn đã giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại và là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm. 

Trong suốt quá trình 35 năm đổi mới, việc tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm còn dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Công tác giáo dục đạt được nhiều thành tựu. Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực. Năng lực của hệ thống các cơ sở y tế được củng cố và phát triển. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. 

35 năm đổi mới vừa qua là giai đoạn quan trọng của sự nghiệp phát triển đất nước, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các nhà phân tích cho rằng, Đại hội XIII của Đảng sẽ kế thừa và phát triển thành tựu và kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, tiếp tục đưa đất nước đi lên, thực hiện khát vọng của Đảng, của dân-khát vọng về một Việt Nam "phồn vinh, hạnh phúc".

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ