A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

10 chương trình toàn khóa của Thành ủy Hà Nội

QPTĐ-Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII vừa thông qua 10 chương trình công tác toàn khóa. Việc thông qua 10 chương trình công tác toàn khóa, không chỉ có ý nghĩa quan trọng, cấp bách trong giai đoạn 2021-2025, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược, đối với sự phát triển của Thủ đô trong những giai đoạn tiếp theo.

Chương trình hàng đầu trong 10 chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025, cho thấy vị trí chiến lược, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Chương trình số 02 là đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế,  phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Chương trình số 03 là chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Chương trình số 04 là đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình số 05 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chương trình số 06 về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chương trình số 07 là đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố. Chương trình số 08 về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô. Chương trình số 09 về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 và Chương trình số 10 về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu với báo chí về những điểm mới trong 10 chương trình công tác của BCH Đảng bộ Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, bên cạnh những chương trình mang tính kế thừa, Thành ủy khóa XVII đã bổ sung 3 chương trình mới so với nhiệm kỳ khóa XVI. Đó là chú trọng chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị; là đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chương trình phát triển hệ thống an sinh xã hội… Những lựa chọn trên đều xuất phát từ nhu cầu cấp bách trước mắt, đồng thời, cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược về sự phát triển của Thủ đô. 10 năm qua, chương trình về nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả cao nhưng  phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị lại chưa được quan tâm đúng mức, còn bất cập; hoặc đối với chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025, là lựa chọn cần thiết khi Hà Nội đã trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Còn chương trình về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô thì lại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khẳng định Đảng bộ Thành phố luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi chủ trương, đường lối. Đây cũng chính là tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đã được cụ thể hóa tại Hà Nội.

Phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ ba, BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đã đánh giá cao các chương trình công tác, đặc biệt là các chương trình công tác mới, lần đầu được xây dựng, có tính thực tiễn rất cao, mang tầm vĩ mô nhưng cũng rất cụ thể, giải pháp rõ ràng, các khâu đột phá trúng và đúng đảm bảo tính khả thi. Với  truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ Thủ đô, đồng chí Bí thư Thành ủy  tin tưởng rằng, quá trình triển khai thực hiện các Chương trình công tác lớn của Thành ủy sẽ rất thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

Hữu Văn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ