A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trận đánh đầu tiên của “Rồng lửa Thăng Long”

 

Sau khi đánh hỏng hoàn toàn các cầu lớn từ Thanh Hoá trở vào (trừ cầu Hàm Rồng), ngày 8 tháng 5 năm 1965, không quân Mỹ đã vượt qua vĩ tuyến 20 mở rộng đánh ra toàn miền Bắc Việt Nam. Địch cho rằng lực lượng phòng không của ta từ vĩ tuyến 20 trở ra vẫn chỉ có pháo cao xạ là chính, còn không quân mới chỉ có MiG-17. Vì vậy, chúng thay đổi thủ đoạn đánh phá nhằm đối phó với cao xạ và không quân của ta. Chúng cho máy bay cường kích bay trên độ cao trung bình để tránh hỏa lực cao xạ, tăng cường máy bay tiêm kích để đối phó với MiG-17 của ta, nhằm bảo vệ lực lượng cường kích đánh phá mục tiêu.

 

 

Máy bay cường kích F4 của Không quân Mỹ.

 

Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tham mưu quyết định đưa tên lửa ra chiến đấu, mặc dù bộ đội tên lửa đang trong giai đoạn huấn luyện cuối cùng. Thực hiện lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Phòng không-Không quân đã lập phương án tác chiến để đưa Trung đoàn tên lửa đầu tiên ra trận.

 

Đêm ngày 22, rạng sáng 23/7/1965, quyền Trung đoàn trưởng Trần Nhẫn ra lệnh hành quân. Hàng trăm xe máy, đạn tên lửa rầm rập lên đường trong đêm tối. Tất cả các xe máy phải bật đèn gầm và di chuyển với tốc độ trung bình ở khoảng dãn cách lớn để đề phòng máy bay Mỹ phát hiện. 


Rạng sáng ngày 24/7, toàn Trung đoàn tên lửa 236 đã vào chiếm lĩnh trận địa. Hai tiểu đoàn 63 và 64 đã đưa được các quả đạn vào vị trí và chờ lệnh. Tại Sở chỉ huy của Trung đoàn, đồng chí Đại tá M.N Xưganốp tâm sự trong lúc chờ địch: "Từ khi vào binh chủng phòng không, được sử dụng vũ khí là tên lửa phòng không SA-75M, đây là lần đầu tiên tôi chỉ huy đơn vị bắn đạn thật nhưng không phải là bắn vào các bia ở trường bắn, mà là các máy bay phản lực hiện đại do các phi công sừng sỏ của Mỹ lái. Vì vậy, không được phép bắn trượt. Muốn vậy phải hết sức thận trọng tính toán chính xác để điều khiển đạn đến mục tiêu".


Lúc 15 giờ 40, trên màn hiện sóng 9x9 của Tiểu đoàn trưởng xuất hiện một tốp máy bay địch từ hướng Mộc Châu- Sơn La vào đánh nhà máy phốt phát Lâm Thao-Việt Trì. Ở hướng thứ hai, một tốp 4 chiếc F4C (con Ma) xuất hiện bay theo dọc sông Đà lên hướng Bắc. Đây là tốp tiêm kích làm nhiệm vụ chặn kích đề phòng MiG của ta ở sân bay Nội Bài lên đánh các tốp máy bay cường kích đang ném bom ở Việt Trì.


Phía Mỹ bay từng tốp 2 chiếc một sóng đôi y như bay trong lễ duyệt binh, tham số bay của tốp này rất ổn định. Chúng không cần đề phòng hỏa lực của cao xạ, vì cao xạ không thể với tới. Nhưng quân địch không thể ngờ rằng tính mạng của chúng đã nằm trên màn hiện sóng của các sĩ quan điều khiển tên lửa.


Thượng sĩ cận vệ Côlêxnhic Nicôlai-Giáo viên đại đội bệ phóng của Tiểu đoàn 63 Trung đoàn 236 thuật lại không khí gay cấn của trận đánh trong một đoạn hồi ký:
"Qua loa phóng thanh, tôi nghe Tiểu đoàn trưởng hô: Chuẩn bị phóng.
Chạy ra bệ phóng nhanh lên! Tôi hét lên với các học viên Việt Nam cùng chúng tôi tháo vỏ bạt ngụy trang các quả đạn. Mọi người thao tác rất nhanh các công đoạn chuẩn bị phóng của mình. Thời gian tính bằng giây phút.
- Số 1 sẵn sàng!
- Số 2 sẵn sàng!
- Số 3 sẵn sàng!


Các trắc thủ trong khẩu đội báo cáo ngắn gọn, dứt khoát.
Tôi kiểm tra vị trí của các bộ cảm biến, nối mạch những ổ cắm trên thân quả đạn tên lửa V750. Tôi báo cáo về Cabin điều khiển.
- Bệ phóng sẵn sàng chiến đấu!
Trong ống nghe tôi nghe rõ những câu trao đổi qua hệ thống liên lạc khuếch đại:
- Góc phương vị 120, cự ly: 32.
- Chuyển sang chế độ bám tự động (chế độ AX).
- Rõ, chuyển sang chế độ AX.
Tôi hạ lệnh:
- Khẩu đội bệ phóng vào hầm trú ẩn.
Tôi và đồng đội vừa đóng sập cửa khoang trên bệ phóng, thì lập tức nghe hiệu lệnh đưa bệ phóng vào tư thế đồng bộ. Bệ phóng cùng tên lửa bắt đầu dịch chuyển vào góc độ phóng. Chúng tôi lao nhanh xuống các hầm trú ẩn. Tôi báo cáo Tiểu đoàn trưởng:
- Trung đội bệ phóng đã vào hầm trú ẩn. Tiếng Tiểu đoàn trưởng ra lệnh:
- Tiêu diệt tốp mục tiêu. Phóng loạt 3 quả, dãn cách 6 giây.
- Bệ 1 phóng!
- Rõ! Bệ 1 phóng đạn. Sĩ quan điều khiển đáp.


Một tiếng nổ đinh tai, khiến chúng tôi phải nằm rạp xuống đất. Quả tên lửa như mũi tên lao lên bầu trời. Tiếp đó là bệ 2, bệ 3 phóng đạn. Từ phía trên đường hào đất đá tung bụi mù rơi xuống chỗ chúng tôi. Luồng khí đẩy của động cơ tên lửa đã thổi tung đất cát lên cao mấy chục mét. May mà chúng tôi đã đội mũ sắt.


Các động cơ ở tầng 1 đã tách, tầng 2 tiếp tục lao đi. Ba tên lửa tạo thành 3 chấm đỏ lao lên cao.
- Kích hoạt ngòi nổ vô tuyến K3!
Một ánh chớp sáng chói bung ra. Qua ống nghe khuếch đại, tôi nghe thấy sĩ quan điều khiển báo cáo: Quả 1 nổ, quả 2 nổ, quả 3 nổ. Mục tiêu đã bị tiêu diệt. Tôi nghe thấy sĩ quan điều khiển báo cáo với giọng đầy xúc động.
Chiếc máy bay địch bùng nổ trên trời xanh, bốc cháy lao xuống đất, kéo theo một vệt khói đen vạch rõ đường rơi của nó. Trên không trung, chúng tôi nhìn thấy chiếc dù đỏ treo lơ lửng. Phi công đã nhảy dù.
Trung đội bệ phóng sung sướng bắt tay nhau.
- Chúc mừng chiến thắng đầu tiên.
Thôi! Hãy trở về bệ phóng -tôi ra lệnh, và chúng tôi lại lao lên phía trên.
Như vậy, tốp máy bay F4C có 4 chiếc, trúng đạn 3 chiếc, 1 chiếc rơi tại chỗ, phi công nhảy dù. Hai chiếc bị thương vội quay đầu về phía Tây Nam.
Sau chiến thắng vẻ vang, ngày 24/7/1965 đã đi vào lịch sử Binh chủng Tên lửa Việt Nam của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh lấy ngày 24/7 hàng năm là ngày Truyền thống của Binh chủng Tên lửa.


Hoàng Tiến


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ