A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết tâm phát triển Nông nghiệp công nghệ cao của Thủ đô Hà Nội

QPTĐ-Ngày 07/02/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Thành phố phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 12.000 - 13.000 USD, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 17%, đến năm 2030 đạt khoảng 20%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt khoảng 40%; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%.

Như vậy, nông nghiệp công nghệ cao của Thủ đô Hà Nội đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình hành động của Chính phủ phát triển Thủ đô Hà Nội. Tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thành phố có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, được đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Nhìn chung, các mô hình quy mô chưa lớn, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp điều kiện hiện nay của Thành phố.

Thủ đô Hà Nội đã xây dựng được 120 mô hình nông nghiệp công nghệ.
                                                                                                                Nguồn Internet
 

Thành phố đã có nhiều giải pháp khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, tạo nguồn lực phát triển nền nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại. Những chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách ưu đãi các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ cao bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Huyện Đan Phượng là một trong những địa phương chú trọng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nổi bật phải kể tới hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý. Với số vốn gần 7 tỷ đồng, trên diện tích hơn 5ha, Hợp tác xã đã đầu tư 7.000m2 nhà màng, áp dụng sản xuất công nghệ cao và không ngừng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất nông nghiệp, đến nay quy mô đã tăng gấp 3 lần, với nhiều loại cây trồng khác nhau. Thành phố đã xây dựng được 120 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó dẫn đầu là huyện Mê Linh với 18 mô hình; tiếp đến là huyện Gia Lâm 17 mô hình, huyện Thường Tín 14 mô hình. Tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của toàn Thành phố đã đạt trên 30%. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội tuy quy mô còn nhỏ, nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10 - 12%. Nhờ đó, giá trị kinh tế gia tăng từ 25 - 30%.

Tuy nhiên, nông nghiệp Thủ đô vẫn còn ít tiếp cận với các ứng dụng chuyển đổi số trong điều hành sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn để nâng cao giá trị thương hiệu, khả năng quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch, cạnh tranh, kết nối nông sản Hà Nội và các vùng miền; tiến tới sản xuất các mặt hàng chủ lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô, trong nước và xuất khẩu, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn rất hạn chế.

Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, sự gia tăng dân số kéo theo diện tích để sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội ngày càng bị thu hẹp dẫn đến phát triển sản xuất manh mún, thiếu bền vững, ô nhiễm. Mặt khác cũng do bị tác động mạnh của đô thị hóa nên lực lượng lao động nông nghiệp, nguồn lực đầu tư nội tại cũng ngày càng bị giảm mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật có khả năng và tiếp cận công nghệ cao để tiếp nhận, ứng dụng còn thiếu năng lực, trình độ còn hạn chế; tỷ lệ người lao động trực tiếp được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn thấp.

Để triển khai có hiệu quả việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn Thành phố. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh việc tiếp cận và làm chủ một số công nghệ cao để có thể ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Hà Nội trong sản xuất giống, canh tác và sơ chế sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng trong điều hành, quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ, duy trì và phát triển các điểm mô hình ứng dụng nghệ cao trong nông nghiệp nhằm tạo tiền để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.

Ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
                                                                                                                                         Nguồn: Internet
 

Hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển được ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trồng trọt: 10 doanh nghiệp, chăn nuôi: 32 doanh nghiệp, thủy sản: 02 doanh nghiệp); 1 Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số tiểu vùng sinh thái sản xuất nông nghiệp của Thành phố. Các cơ sở này được cấp có thẩm quyền công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan (VietGAP, hoặc nông nghiệp hữu cơ, hoặc hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; môi trường).

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, song nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế. Nguyên nhân là do năng lực của hộ nông dân, hợp tác xã còn nhiều hạn chế, việc tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao gặp nhiều khó khăn về vốn. Chính vì thế, thành phố Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư, nhất là vào nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Khánh Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ