A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên

 

“Khi mắt nhìn qua ô cửa sổ/Sơn đã phai màu/Và, mái nhà Ngói đã lên rêu/Lòng tha thiết mến yêu chiếc nôi đầu của Đảng/Bảy anh, bảy người chiến sĩ cộng sản/Xé đêm đen nhuốm ngọn lửa hồng/Một giọt nước trong/Một mầm cây mới nhú/Và, hôm nay/Ngọn lửa đã thành mặt trời/Giọt nước đã thành sông, thành biển/Mầm cây đã thành rừng, thành lũy”. Đó chính là bài thơ của tác giả Minh Hoài nói về cái nôi gắn liền với sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Hà Nội cũng như của cả nước, đó chính là số 5D Hàm Long.

 

 

Tham quan di tích nhà số 5D Hàm Long.

 

Nhà số 5 phố Hàm Long, (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thuộc dãy nhà gạch một tầng của một gia đình tư sản nhỏ xây dựng để cho thuê bao gồm 4 số nhà A, B, C, D.

 

Theo số liệu từ Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội (QLDTDT): Cuối năm 1928, tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đỏ thuê nhà số 5D Hàm Long và giao cho vợ chồng ông Trần Văn Cung (tức Nguyễn Quốc Anh) là hội viên của tổ chức đến ở và dùng làm nơi hoạt động bí mật của tổ chức. Nhà 5D phía bên phải giáp với nhà 5C, phía bên trái giáp một ngõ hẻm thông sang phố Lê Văn Hưu. Ngõ hẻm này dùng làm nơi đổi thùng vệ sinh cho cả phố nên ít người qua lại, dòm ngó. Ở số nhà này nếu có biến động có thể luồn ra phía sau, vượt tường theo ngõ này thoát ra ngoài. Đây chính là lý do vì sao ngôi nhà được tổ chức Thanh niên cách mạng chọn là địa điểm hội họp.

 

Với diện tích 24 m2, nhà chỉ có một gian ngăn cách thành 2 phòng qua tấm mành tre. Phía sau là sân nhỏ, bếp và nhà vệ sinh. Khi đến đây ở, vợ chồng ông bà Quốc Anh trong vai những người ở quê lên Hà Nội làm việc. Sự thật, khi đó Quốc Anh là công nhân còn vợ là chị Liên- ở nhà nội trợ. Tài sản cá nhân của đôi vợ chồng này chẳng có gì đáng kể, hầu hết những đồ dựng trong gia đình như bộ ghế tràng, chiếc giường tre, chiếc hòm gỗ 2 đáy, đều do các đồng chí trong tổ chức mang đến, mà chủ yếu tài sản của đồng chí Nguyễn Phong Sắc chuyển từ nhà riêng ở Bạch Mai lên.

 

Khi các đồng chí của chồng mình hội họp, chị Liên thường ra ngoài vỉa hè ngồi hóng gió để cảnh giới. Tại ngôi nhà này, đã diễn ra nhiều cuộc trao đổi, thảo luận của các đồng chí trong tổ chức xoay quanh vấn đề: Phải tổ chức Đảng Cộng sản ở Việt Nam để lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng đang ngày càng có chuyển biến về chất.

 

Đến cuối năm 1928, số hội viên Việt Nam cách mạng Thanh niên của tỉnh bộ Hà Nội khi đó phát triển tới 200 người. Phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng mạnh, sự giác ngộ giai cấp của hội viên và quần chúng được nâng cao, xu hướng cộng sản chủ nghĩa ngày càng rõ rệt.

 

Nhận thức được sức mạnh của quần chúng, đặc biệt là sự lớn mạnh của phong trào công nhân Bắc kỳ, các đồng chí lãnh đạo Thanh niên trong Kỳ bộ Bắc kỳ thấy rằng, không thể duy trì mãi hình thức tổ chức Thanh niên vì không thể tuyên truyền cách mạng cộng sản mà bản thân không phải là cộng sản. Một điểm nữa quan trọng hơn là nếu không có một bộ tham mưu, một đội tiền phong của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng thì cách mạng Việt Nam không thể thành công được.

 

Sau nhiều lần bàn thảo, cuối tháng 3-1929, tại nhà số 5D Hàm Long, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đông Dương được thành lập ở Hà Nội. Chi bộ khi ấy gồm các đồng chí: Nguyễn Phong Sắc, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Kim Tôn (Nguyễn Tuân), Dương Hạc Đính (Hoàng Hạc).

 

Đồng chí Trần Văn Cung (Quốc Anh) được cử làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ đề ra 4 nhiệm vụ: Phải giữ bí mật để phát triển thêm các đồng chí cộng sản, thành lập các tổ chức và các chi bộ khác ở các tỉnh; trong Đại hội Thanh niên sắp tới sẽ vận động các đại biểu tán thành chủ trương tổ chức Đảng Cộng sản; vận động các đại biểu địa phương bầu trong số các đồng chí trong chi bộ làm đại biểu dự Đại hội toàn quốc; nắm chắc thanh niên Bắc kỳ hướng họ đi “vô sản hóa” để phát triển tổ chức Công hội, Nông hội, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, lãnh đạo các cuộc đấu tranh cách mạng.

 

Ngay sau khi ra đời, Chi bộ chủ trương đẩy mạnh phong trào đấu tranh  cách mạng, một loạt các cuộc đấu tranh do Chi bộ lãnh đạo đã nổ ra, tiêu biểu như: Phong trào đấu tranh của chị em ở chợ Đồng Xuân, công nhân Nhà máy Sơn Hải Phòng đình công, công nhân Nhà máy Dệt Nam Định đình công, công nhân Nhà máy Xe lửa Tràng Thi (Vinh) đình công. Các phong trào đấu tranh bùng nổ và lan rộng. Tổ chức Công hội đỏ  được thành lập ở nhiều nơi.

 

Ngày 17/6/1929, tại nhà số 312 phố Khâm Thiên, 20 đại biểu ưu tú của Kỳ bộ Bắc kỳ đã nhóm họp và tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản đầu tiên lấy tên là Đông Dương Cộng sản Đảng, giải tán tổ chức Thanh niên, công bố Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Điều lệ và quyết định xuất bản báo Búa Liềm là cơ quan ngôn luận của Đảng, lập Trung ương lâm thời (đồng chí Trịnh Đình Cửu được cử làm Bí thư).

 

Cũng trong bối cảnh đó tại Nam kỳ, Kỳ bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên Nam kỳ thành lập An Nam Cộng sản Đảng vào tháng 8/1929, xuất bản báo “Đỏ” là cơ quan ngôn luận của mình. Tháng 9/1929, tổ chức Tân Việt ở Trung kỳ cũng đổi tên thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra báo “Tuyên đạt” tuyên bố sẽ cùng Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng “liên hiệp thành một tổ chức cơ sở ở Đông Dương để cho sức mạnh cộng sản vững chắc và duy nhất”. Sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản ở nửa sau năm 1929 khẳng định hệ tư tưởng cộng sản đã chiếm ưu thế trong phong trào cách mạng ở Việt Nam.

 

Đảng ra đời là biểu hiện sự xác lập vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam, khẳng định quá trình đấu tranh từ tự phát đến tự giác của lực lượng cách mạng. Đó cũng là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ở Việt Nam trong thời đại mới.

 

Là một “hạt nhân” tạo nên sự kiện vĩ đại trên-sự ra đời của Chi bộ Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại nhà 5D Hàm Long cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó.

 

Hà Nội từ xưa đã có truyền thống đấu tranh bất khuất chống xâm lược, là nơi kết tinh lòng yêu nước và “mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần đó lại dấy lên, nó kết lại thành làn sóng sôi nổi mạnh mẽ, nó nhấn chìm bầy lũ bán nước và cướp nước”. Ngôi nhà 5D Hàm Long nằm ở trung tâm Thủ đô-cùng biết bao nơi ghi dấu các sự kiện cách mạng khác (nhà 90 Thợ Nhuộm, 48 Hàng Ngang, nhà bà Hai vẽ, nhà 15 Hàng Nón....) đã góp phần tạo dựng lịch sử cách mạng Việt Nam-những trang sử “sống”, để lại niềm tự hào cho muôn đời con cháu học tập.

 

Ngôi nhà này gắn liền với thời kỳ hoạt động của các đồng chí trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên-cũng là thời thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên vào những năm 1929-1930. Để có được các phòng trưng bày như hiện nay, với tấm lòng biết ơn và tự hào sâu sắc, QLDTDT phân công cán bộ đi khắp nơi sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến ngôi nhà, đến cuộc đời hoạt động cách mạng của các đồng chí trong Chi bộ.

 

Ngày 31/1/1964, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám đã ký Quyết định số 64 xếp hạng 31 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trong cả nước, trong đó có ngôi nhà 5D phố Hàm Long. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên để bảo vệ di tích cách mạng quan trọng này. 

 

Ngân Mỹ

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ