A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghề đánh đá ong ở vùng xứ Đoài

QPTĐ-Đá ong ở vùng Sơn Tây, Ba Vì ngoài yếu tố chất lượng đảm bảo cho các công trình dân sinh, tâm linh, phúc lợi. Đá còn là những chiếc máy lọc vô hình trong lòng đất để cho mỗi nhà có nguồn nước giếng sạch, trong mát, các mạch nước thẩm thấu qua đá ong sẽ được đá loại bỏ các tạp chất hỗn hợp gây hại. Nước giếng đá ong ngọt, trong mát. Giếng đào từ vỉa đá ong dù có sâu thì tang giếng (khuôn vòng tròn) luôn chắc chắn, không bị lở, lồi lõm; đáy ít bùn, nước luôn mát và trong.

Theo các nhà địa chất học thì dọc chiều dài của đất nước chúng ta, tính từ miền trung du Phú Thọ (Bắc bộ) cho đến vùng khu 4 đèo Ngang sang vùng đất Bình Trị Thiên cũ vào đến tận vùng Nam Trung bộ, chạm đất võ Bình Định đều có những vỉa đá ong tồn tại cùng lịch sử hàng triệu năm kiến tạo của vỏ trái đất. Tuy nhiên, lại theo các nhà kiến trúc – xây dựng thì tùy theo địa hình và đới khí hậu khác nhau nên chất lượng đá ong ở mỗi vùng miền lại có cấp độ, giá trị khác nhau như: Hàm lượng kim loại, độ keo kết, màu sắc khi được đào khỏi lòng đất. Cho đến nay, theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học thì vùng địa lý phía Tây Hà Nội gồm Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây, Ba Vì - là những nơi được đánh giá là có những vỉa đá đạt chất lượng tốt nhất. Nói như vậy cũng có những sự trùng hợp vì địa điểm này cũng được coi là cái nôi của vùng văn hóa xứ Đoài với khối lượng lớn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu có một di sản văn hóa quý ở thị xã Sơn Tây, đó là ngôi làng cổ ở Đường Lâm, còn được mọi người quen gọi với những cái tên thuần Việt như: Ấp cổ hai Vua, Làng Việt cổ hay làng cổ đá ong. Và những viên gạch đá ong đã là một phần quan trọng không thể thiếu để góp phần kết cấu nên những công trình như: Nhà ở, nơi sinh hoạt văn hóa công cộng, công trình tâm linh tín ngưỡng, đường xá, cầu cống… trong đó có các loại hình di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật như: Đình, chùa, đền, miếu…

Cổng đá ong.

Nhìn bề mặt mỗi viên đá thường là hình chữ nhật. Nó có bề mặt xù xì, mộc mạc, vết lõm đều, nhìn giống như bề mặt của những tổ ong. Đá được khai thác lên từ các vỉa sau một quá trình thăm dò, tìm hiểu bằng những kinh nghiệm gia truyền. Gạch đá ong không phải nung, trải qua thời gian, đá ong sẽ tăng độ rắn, cứng khi đưa lên khỏi lòng đất. Nhà được xây bằng đá ong thì rất mát về mùa hạ, ấm về mùa đông. Xưa kia, khi xi măng còn khan hiếm thì chất dùng để vít các mạch gắn kết, người ta thường dùng đất sét hay mạch nha trộn lòng trắng của trứng gà, kể cả việc dùng bùn non trộn với trấu.

Nơi được nhắm đến khai thác đá ong là các vị trí đất khô, không trơn hay nhão, mặt đất có nhiều viên sỏi, dù to hay nhỏ, nên không gây bẩn và tạo bùn như những nơi khác, bảo đảm sau mỗi trận mưa là khô ngay, không gây trơn trượt hay nguy hiểm cho người đi bộ và các phương tiện giao thông. Chỗ đất ấy cũng không bị lở khi người thợ đào các hố.

Thợ đào, đánh đá ong, Họ phải là những người đàn ông khỏe mạnh, độ tuổi từ 18, tối đa là 60 tuổi, tốt nhất là những người kế nghiệp nghề trong gia đình thì sẽ tốt hơn. Người khỏe mạnh có thể đào được 40 viên/ngày, còn bình thường đào được 30 viên/ngày. Dụng cụ đào đá là xà beng, thuổng, cuốc chim, cuốc bản, găng tay sợi, xẻng, giày vải mềm. Xà beng ở đầu được đánh dẹt, dài 1.2m hay hơn 1m. Lúc gạch được đánh lên, nó hơi mềm, nhưng sau đó gặp không khí sẽ cứng rắn dần lên. Người thợ dùng con mắt ước tính kích thước mà đánh giá cho hợp lý. Khi mang lên rồi, họ còn phải tạc gọt, tạo dáng cho đá vuông, sắc cân đối thẳng. Một viên đá có kích thước thông thường là: dài 36cm, rộng 20cm, dày 20cm, nặng 18 - 20kg. Bằng con mắt nghề và kinh nghiệm của thợ, thường phải là người có thâm niên, thì họ có thể đánh giá được chỗ này, chỗ khác có đá tốt hay đá xấu (đá thối). Đá thối (chất lượng kém) tồn tại ở nơi đất thấp, còn đá đẹp tồn tại nơi đất cao hơn, có một số nơi chỉ đào được 12 lượt (12 viên) theo độ cao từ trên xuống dưới là sắp cạn đá tốt, ưng ý. Cá biệt có những chỗ thợ gặp “tổ đá”, chỉ cần từ 4 – 6 m2 là có thể đánh được hàng ngàn viên. Mỗi người thợ đánh đá phải đảm bảo tố chất là sức khỏe, kinh nghiệm. Cũng dễ hiểu, thời xưa với nền kinh tế tự cấp tự túc ở làng quê là chủ yếu nên những nông sản, thực phẩm của quê hương do mỗi nhà tự chế, tự kiếm được cũng bảo đảm cho mỗi người thợ những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng: Rau, thịt, đậu, tương, tôm, cua, cà, cá mắm…

Cột cờ xây trên bệ hình chóp bằng đá ong.

Đá ong ở vùng Sơn Tây, Ba Vì ngoài yếu tố chất lượng đảm bảo cho các công trình dân sinh, tâm linh, phúc lợi. Đá còn là những chiếc máy lọc vô hình trong lòng đất để cho mỗi nhà có nguồn nước giếng sạch, trong mát, các mạch nước thẩm thấu qua đá ong sẽ được đá loại bỏ các tạp chất hỗn hợp gây hại. Nước giếng đá ong ngọt, trong mát. Giếng đào từ vỉa đá ong dù có sâu thì tang giếng (khuôn vòng tròn) luôn chắc chắn, không bị lở, lồi lõm; đáy ít bùn, nước luôn mát và trong.

Cho dù đã có lịch sử khai thác hàng mấy thế kỷ và công dụng của nó thì nhiều người biết đến, thời đại ngày nay, đã có hàng ngàn loại vật liệu tự nhiên, nhân tạo mới ra đời với vô số công dụng tiện lợi, kinh tế, nhưng trong tâm khảm của mỗi người Việt, họ luôn nhớ đến những viên gạch đá ong truyền thống, xù xì, mộc mạc, vững chãi với thời gian mặc cho các tác động của khí hậu.

Hiện tại, khắp ba miền, nhiều công trình nhà ở phúc lợi, tâm linh tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng luôn có mặt những viên gạch ngả màu nâu sẫm, to bản, chắc đậm của đá ong được thiết kế tạo các bức tường rào. Đó cũng là môi trường lý tưởng cho các loài thân mềm, dây leo sinh trưởng, phát triển, tạo nét cổ kính, bắt mắt bởi màu xanh tôn lên giá trị của các công trình cổ kính có niên đại lâu đời, có thể  kể ra một vài loài thực vật như: Trầu không, xương rồng, vẩy ốc, mơ tam thể, hoa giấy…

Đá ong còn có vai trò giữ độ ẩm, tạo chất dinh dưỡng cho đất, là môi trường tốt cho các loài cây ăn quả phát triển ở vùng bán sơn địa như: Nhãn, vải, doi, mít, xoài, dứa… Đá tạo thành các phên dậu để chống xói lở các bờ kè ao hồ, mương máng. Đá còn được các nghệ nhân sáng tạo, gọt dũa tạo nên các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, con giống, đồ thờ, đồ lưu niệm quý, hòn non bộ, cây hoa cảnh…

Tuy nhiên, nghề đánh đá ong và việc sử dụng các sản phẩm của nó sau đó cũng để lại một số hạn chế như: Chỗ khai thác thường tạo ra các vũng chuôm sâu, gây nguy hiểm cho người và vật nuôi. Vì vậy sau khi khai thác xong các vỉa đá tốt, người dân cần phải san lấp trả lại mặt bằng để đảm bảo an toàn và nơi trồng cấy. Đá ong không thể xây được nhà cao tầng, trong đá có chứa hợp chất kim loại nên cùng gây nguy hiểm trong những ngày mưa dông, sấm sét (dễ bắt điện, bị sét đánh).

Ở miền quê bán sơn địa này, mỗi khi đến thăm những di sản văn hóa quý như: Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, Đình Tường Phiêu, Đền Và, Làng cổ ở Đường Lâm… nhìn những viên gạch đá ong đang tồn tại bao bọc nên các công trình văn hóa tín ngưỡng quý báu ấy cùng với cuộc sống thanh bình của mỗi nhà, mỗi người nơi thôn quê, ngõ xóm, mỗi viên gạch được ví von như những nhân chứng sống hữu hình trầm mặc, toát lên vẻ đẹp về tâm hồn, cốt cách của người nông dân xứ sở: Luôn cần cù, chịu khó, luôn biết vượt lên sáng tạo, lao động, chế ngự thiên nhiên để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc, mãi mãi tự hào về truyền thống quê hương – vùng đất cổ kính địa linh nhân kiệt.

Nguyễn Trọng An

Ban QLDT Làng cổ Đường Lâm

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ