A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày mới ở Yên Bình

 

QPTĐ-Kinh tế phát triển với tốc độ 12,5%; thu nhập đầu người đạt 42 triệu/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,06%; xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy, đó là thành quả kỳ diệu của Yên Bình sau 10 năm chuyển từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về với huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.

 

 

Bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên giới thiệu về sản phẩm “Rau sạch đại ngàn”.

 

Từ trung tâm Hà Nội chỉ mất chưa tới 1 giờ đồng hồ xe chạy theo Đại lộ Thăng Long, chúng tôi có mặt tại trang trại hữu cơ Hoa Viên, thuộc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc ở thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Trang trại có diện tích 60ha, nằm sát chân núi Vua Bà (thuộc Vườn Quốc gia Ba Vì) với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi và môi trường đặc biệt trong lành. 


Đón chúng tôi, bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại phấn khởi cho biết, Hoa Viên là mô hình trang trại chăn nuôi lợn rừng (giống và thương phẩm), trồng rau, củ, quả, cây dược liệu theo quy trình canh tác 100% hữu cơ khép kín. Hoa Viên hiện nuôi hơn 1.000 lợn rừng sinh sản, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 10 nghìn lợn giống và thương phẩm. Tại trang trại, lợn rừng được chăn nuôi dựa vào đặc tính sinh học, sinh lý và sinh sản tự nhiên. Trang trại hoàn toàn không sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng hay kích thích tăng trưởng, sinh sản. Thức ăn của lợn rừng 90% là rau củ quả, cỏ VA06 được trồng ở trang trại, 10% là cám đại mạch và thịt trùn quế. Toàn bộ chất thải của chăn nuôi, trang trại dùng để nuôi trùn quế, sau đó dùng bón cho rau hữu cơ.


Cùng với chăn nuôi, Hoa Viên tập trung trồng rau hữu cơ trên diện tích 10ha với thương hiệu “Rau sạch đại ngàn”. Rau của trang trại được sản xuất theo tiêu chuẩn 100% hữu cơ, tuân thủ nguyên tắc 6 không: Không sủ dụng thuốc diệt cỏ; không sử dụng phân bón hóa học; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; không sử dụng chất kích thích sinh trưởng; không sử dụng giống biến đổi gien và không sử dụng các hóa chất dấm, ủ, chất bảo quản ở tất cả các công đoạn thu hái, sơ chế rau. Vì vậy, “Rau sạch đại ngàn”  có hương vị thơm ngon tự nhiên và giàu dinh dưỡng. 

 

Bà Trương Kim Hoa cho biết, hiện nay, Hoa Viên cung cấp cho thị trường Hà Nội gần 1tấn rau sạch/ngày. Rau của Hoa Viên hiện phải đặt mới có và cung cấp cho hơn 30 cửa hàng rau sạch trong Thành phố. Việc sản xuất khép kín của Hoa Viên không chỉ mang lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng mà còn mang lại sức khỏe cho người sản xuất, làm cho đất đai ngày càng màu mỡ.


Bây giờ ở Yên Bình, những mô hình làm kinh tế hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều. Đất lúa được chuyển sang trồng hoa, trồng chuối, ớt xuất khẩu, cây ăn quả... Đến nay, Yên Bình đã có hơn 100ha bưởi, gần 10ha trồng ớt xuất khẩu, gần 10ha trồng hoa… Bên cạnh đó, đã có nhiều mô hình trang trại trồng rau hữu cơ, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn rừng… đạt hiệu quả cao.


Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần cho biết, từ khi sáp nhập địa giới hành chính với Hà Nội, Yên Bình được thành phố và huyện quan tâm, dành nguồn lực lớn đầu tư cho địa phương. Qua 10 năm, đã có 23 công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư mới hoàn toàn. Hệ thống kênh mương, hồ thủy lợi được kè; giao thông liên xã, liên thôn, trường học, trung tâm nhà văn hóa xã… được đầu tư với kinh phí hơn 200 tỷ đồng.

 

Việc thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế đồng bào dân tộc được xã thực hiện hiệu quả như hỗ trợ khoa học kỹ thuật, giống, phân bón, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...với kinh phí trên 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, xã quan tâm tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế đồi rừng..., góp phần tăng giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 187 triệu đồng/ha/năm.


Chủ tịch UBND xã Nguyễn Giáp Dần cũng cho biết: Trước khi về Thủ đô, mặc dù có tới 40% là người Mường nhưng bản sắc văn hóa dân tộc Mường có chiều hướng mai một. Rất ít người dân tộc Mường khi đó có trang phục truyền thống; cồng, chiêng gần như không còn và rất ít người biết sử dụng. Từ khi sáp nhập về  Thủ đô, được các cấp hỗ trợ, địa phương đã và đang thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Từ không có bộ cồng chiêng nào, đến nay Yên Bình đã có 13 bộ cồng chiêng; 10/10 thôn có đội cồng chiêng.


Hiện nay, xã có 3 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% thôn đạt Danh hiệu Làng văn hóa; trên 90% hộ Gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Xã có trung tâm văn hóa, thể thao đạt chuẩn là nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con nhân dân.


Với sự quan tâm đầu tư của các cấp,  hướng đi đúng đắn và cách làm sáng tạo, hiệu quả, Yên Bình đang thay da, đổi thịt từng ngày. Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành và đang tiếp tục được củng cố sẽ tạo nên diện mạo tươi sáng cho vùng quê Yên Bình.


Phương Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ