A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải “cơn khát” nước sạch phía Đông Bắc Thủ đô

 

QPTĐ-Giai đoạn 1 của Nhà máy nước mặt sông Đuống (Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống) với công suất 150.000 mét khối/ngày đêm sẽ được khánh thành và đưa vào khai thác thương mại vào tháng 10, dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Nước sạch đầu ra của nhà máy đảm bảo tuân theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc gia QC2001-2009 của Bộ Y tế với yêu cầu xét nghiệm 109 chỉ tiêu cơ, lý, hóa, vi sinh và có thể uống tại vòi theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đó là cam kết của ông Đỗ Văn Định, Giám đốc dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.

 

 

Thi công tuyến ống truyền dẫn Nhà máy nước mặt sông Đuống.

 

Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2020 sẽ cấp nước sạch đến 100% hộ dân toàn Thành phố. Theo đánh giá, lúc đó, nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội sẽ vào khoảng 1,6 triệu mét khối/ngày đêm và đến năm 2030 dự kiến là 2,4 triệu mét khối/ngày đêm. Trong khi hiện nay, sản lượng nước sạch của Hà Nội chỉ đạt 940.000 mét khối/ngày đêm. Như vậy, trong những năm tới, Hà Nội vẫn đối diện với nguy cơ thiếu hụt nước sạch, nhất là trong mùa Hè.

 

 

Các hạng mục của Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đang gấp rút thi công

để kịp khánh thành và đưa vào khai thác thương mại đúng dịp

kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2018.


Mặt khác, về lâu dài, việc khai thác nước ngầm không được quản lý, kiểm soát tốt có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường như ô nhiễm nguồn nước, sụt lún mặt nền... Kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất Trung tâm Quan trắc và dự báo tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phát hiện dấu hiệu gia tăng ô nhiễm với các chỉ số kim loại nặng cao hơn mức cho phép nhiều lần như hàm lượng amoni, asen, hữu cơ... vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN 01:2009/BYT) và mực nước ngầm hạ sâu ở khu vực đồng bằng Bắc bộ.

 

Để giải quyết những vấn đề trên, Hà Nội đã có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước sạch của nhân dân. Cụ thể, Thành phố  đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước. Trong đó, 4 dự án nguồn đang triển khai, hoàn thành trong năm 2018 với công suất tăng thêm 335.000 mét khối/ngày đêm; 7 dự án nguồn hoàn thành giai đoạn 2019-2020, công suất tăng thêm trên 1 triệu mét khối/ngày đêm. Bên cạnh đó, Thành phố cũng yêu cầu đối với các tuyến ống cấp nước hiện có, trong thời gian tới, các đơn vị phải tiến hành các giải pháp làm sạch hệ thống đường ống, đồng thời bổ sung hệ thống lọc nước để đảm bảo cấp nước sạch uống ngay tại vòi theo tiêu chuẩn châu Âu.


Một trong những dự án trọng điểm đang được Thành phố chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2018 là Nhà máy nước mặt sông Đuống. Dự án được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng (225 triệu Đô la Mỹ), bao gồm 2 hợp phần chính: Công trình thu-trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76km phân bố trên các quận, huyện Gia Lâm, Long Biên, Sóc Sơn, Đông Anh, Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên.

 

Về quy mô dự án, theo quy hoạch và kế hoạch mở rộng Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đến năm 2020 sẽ đạt công suất 300.000 mét khối/ngày đêm, chia thành hai kỳ đầu tư: Kỳ 1 đến năm 2018, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 150.000 mét khối/ngày đêm và kỳ 2 đến năm 2020, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 300.000 mét khối/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ mở rộng và phát triển công suất đến năm 2030 đạt 600.000 mét khối/ ngày đêm, tầm nhìn đến năm 2050 quy mô công suất 900.000 mét khối/ngày đêm.


Theo Ban Quản lý dự án, Nhà máy nước mặt sông Đuống áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới với công nghệ từ châu Âu đạt hiệu suất xử lý cao, tiết kiệm chi phí xây dựng, chi phí quản lý vận hành, quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường. Các thiết bị chính sử dụng cho dự án được cung cấp bởi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới từ các nước G7. Tuyến ống truyền dẫn của nhà máy cũng được đầu tư sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao bao gồm ống thép, ống gang dẻo và các vật tư phụ kiện được nhập khẩu từ châu Âu, Thái Lan, Ấn Độ và các nước châu Á khác.

 

Hệ thống ống truyền dẫn kết nối với nhà máy nước sẽ được điều khiển thông qua trung tâm điều khiển đặt tại nhà máy. Với mục tiêu phát triển bền vững, nhà đầu tư đang nghiên cứu và sẽ áp dụng các giải pháp tái sử dụng bùn thải cùng với việc tận dụng mặt bằng thuận lợi để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời nhằm tận dụng nguồn năng lượng sạch và tiết kiệm chi phí.


Dự án hiện đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục nhà máy nước và tuyến ống truyền dẫn. Dự kiến nhà máy sẽ tiến hành chạy thử, xúc xả từ tháng 9/2018 và khai thác thương mại chính thức vào dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2018. Khi hoàn thành Nhà máy Nước mặt sông Đuống sẽ cung cấp nước sạch cho các khu vực phía Đông Bắc thành phố Hà Nội.


Nhà máy nước mặt sông Đuống khi đi vào vận hành sẽ cung cấp bổ sung nguồn nước đạt chất lượng cho các khu vực dân cư, đóng góp vào quá trình đô thị hoá, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, dự án còn đạt được mục tiêu thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Dự án sẽ góp phần mở ra một hướng mới về đa dạng hóa các thành phần kinh tế trong sản xuất và kinh doanh nước sạch, đồng thời thúc đẩy quá trình đô thị hóa vùng ngoại ô Hà Nội và các vùng lân cận.


Đức Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ