A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiến Xuân trên đường đổi mới

 

QPTĐ-Khi mới tách ra khỏi huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình để sáp nhập về huyện Thạch Thất, Tiến Xuân cũng như Yên Trung và Yên Bình là những xã thuộc diện khó khăn nhất của thành phố Hà Nội. Nhưng sau 10 năm, diện mạo của Tiến Xuân đã có sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Không chỉ thoát khỏi xã nghèo, Tiến Xuân còn là một trong những xã của huyện sớm về đích nông thôn mới.

 

 

Trường Trung học cơ sở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất được xây dựng khang trang.

 

Tiến Xuân là xã miền núi có tổng diện tích tự nhiên gần 3.500 ha, dân số trên 8.000 người. Trên địa bàn xã có 2 dân tộc anh em Kinh và Mường cùng sinh sống, trong đó người Mường chiếm khoảng gần 70%. Xã có 18 cụm dân cư, chia thành 18 thôn, có đường 446, đường Láng-Hoà Lạc đi Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam chạy qua và giáp với dự án Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. 


10 năm trước, khi đến với Tiến Xuân, chúng tôi thấy hệ thống giao thông  của xã chủ yếu là đường đất. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như Trạm y tế, Trường học còn sơ sài và lạc hậu. Kinh tế chậm phát triển, chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp lạc hậu. Đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tiến Xuân là một trong số những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện.


Vậy mà về Tiến Xuân hôm nay, có thể dễ dàng nhận thấy những đổi thay tích cực của xã vùng đồng bào dân tộc miền núi này. Chỉ trong vòng ít năm qua, xã được Thành phố, huyện đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Tiến Xuân đã huy động được hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công lao động để bê tông hóa đường làng, ngõ xóm các thôn Quê Vải, Gò Chói, Đồng Dâu, Gò Mè, Miễu; đường 446 đi thôn Bình Sơn; cứng hóa các tuyến mương, bai Quê Vải, Cửa Làng, Đồng Hiến, Gò Chung, Ngọn Hồ. Nhân dân địa phương đã hiến gần 10.000m2 đất xây dựng trường học, nhà văn hóa và làm đường giao thông. Đến nay, Tiến Xuân đã có một trường đạt chuẩn quốc gia và là xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2…


Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Tình cho biết, trong những năm qua, xã đã tích cực triển khai nhiều dự án do Thành phố, huyện đầu tư như trường Tiểu học Tiến Xuân, trường Mầm non Tiến Xuân B, Hội trường UBND xã, đường nội đồng Quê Vải-Cốt Đụng với tổng nguồn vốn trên 30 tỷ đồng. 3 nhà văn hóa các thôn Bái Dài, Bình Sơn và Chùa Một cũng đã được hoàn thiện.

 

Cùng với cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế-xã hội nơi đây tiếp tục được cải thiện. Đảng ủy, UBND xã Tiến Xuân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, quy hoạch một số diện tích canh tác thuộc các thôn chuyển sang trồng giống lúa cao sản, rau sạch và hoa. Xã cũng vận động bà con chuyển đổi 30ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dưa chuột Nhật xuất khẩu. Ngoài quản lý, bảo vệ và khai thác rừng hiệu quả, mô hình trồng tre Bát độ lấy măng cũng được địa phương chú trọng nhân rộng, mang lại giá trị kinh tế cao. 


Nhờ huy động được nhiều nguồn lực của huyện và Thành phố, đồng thời  khai thác tốt lợi thế, tiềm năng, đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi của xã đã được xây dựng và tu sửa khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong xã được nâng cao rõ rệt.


Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tiến Xuân xác định, trong thời gian tới, tiếp tục đổi mới năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền, tăng cường chất lượng các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, từng bước xây dựng Tiến Xuân ngày càng giàu đẹp.


Ðức Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ