A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mãi mãi tự hào truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”

 

QPTĐ-Ra đời từ phong trào cách mạng của quần chúng, lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ) là một bộ phận quan trọng của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng bất khuất chống ngoại xâm, truyền thống “Ngàn năm văn hiến Thăng Long-Hà Nội” cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô viết nên trang sử hào hùng, góp phần làm rạng danh non sông đất nước...

 

 

Khối Sư đoàn Bộ binh 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trong Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

 

Trước và trong Cách mạng Tháng Tám, các đội tiền thân của lực lượng vũ trang Thủ đô như: Đội Thanh niên xung phong tuyên truyền thành Hoàng Diệu, sau đổi tên là Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, Đội Tự vệ xung phong ngoại thành, Đội Danh dự Việt Minh, Đội Công nhân xung phong... đã xung kích đi đầu, làm nòng cốt cho các tầng lớp nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện khi thời cơ đến vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, góp phần quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân, lật đổ chế độ phong kiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc, mang lại quyền làm chủ cho nhân dân Việt Nam.

 

 

Khối nam tự vệ Thủ đô diễu binh trên đường phố dịp Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9.         

                  
Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện, ngày 19 tháng 10 năm 1946, Chiến khu XI-Tổ chức hành chính quân sự thống nhất của các lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội được thành lập. Chiến khu XI đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Ngày 25 tháng 7 năm 1947 trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, Trung ương ra quyết định địa bàn hoạt động của Chiến khu XI được mở rộng bao gồm: Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây. Qua Hội thảo khoa học và thực tiễn hoạt động quân sự, quốc phòng của Chiến khu XI đã mang đầy đủ tính chất chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ngày nay. Vì vậy, ngày 19 tháng 10 năm 1946 là ngày truyền thống của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội theo Quyết định số 1850/QĐ-QP ngày 31 tháng 5 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đây là sự lựa chọn khoa học thể hiện tính khách quan của lịch sử.


Sau khi được thành lập, ngày 19 tháng 12 năm 1946 hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chấp hành quyết định của Thường vụ Trung ương Đảng, quân và dân Chiến khu XI với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã nổ súng mở đầu cho Toàn quốc kháng chiến. Lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, quân và dân Thủ đô nói riêng mãi mãi lưu truyền cuộc chiến đấu 60 ngày đêm, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, vượt chỉ tiêu Trung ương giao, bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian thực hiện công việc kháng chiến lâu dài.

 

Suốt chặng đường tám năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội đã kiên trì trụ vững bám dân, bám đất, xây dựng cơ sở, dựa vào dân chiến đấu và lập được nhiều chiến công vẻ vang. Nhiều trận đánh tiêu biểu, hiệu quả để lại kinh nghiệm quý cho chiến tranh nhân dân, góp phần tạo ra bước ngoặt quan trọng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Các địa phương thuộc tỉnh Hà Đông và Sơn Tây là địa bàn hoạt động của các đơn vị lực lượng vũ trang Mặt trận Hà Nội, nhiều địa phương được xây dựng thành căn cứ kháng chiến và căn cứ của Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội, hai tỉnh cung cấp nhiều nhất cho Hà Nội lương thực, thực phẩm…


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng vũ trang Thủ đô vừa sản xuất, vừa tăng cường chi viện cho chiến trường, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng không, không quân quốc gia đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc, đỉnh cao là cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối tháng 12  năm 1972, lập nên kỳ tích của thế kỷ XX: “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” để Hà Nội trở thành “Thủ đô lương tri và phẩm giá con người”.


Thời kỳ cả nước quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lực lượng vũ trang Thủ đô luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, vượt mọi khó khăn, vừa tăng cường chi viện cho các mặt trận bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế, vừa là lực lượng nòng cốt góp phần cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô làm thất bại âm mưu thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng, bảo vệ, kiến thiết Thủ đô.


Ngày nay, với tinh thần đổi mới, sáng tạo và quyết tâm cao, lực lượng vũ trang Thủ đô không ngừng hoàn thiện tổ chức, biên chế, chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp của Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; duy trì thực hiện nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và quốc tế diễn ra trên địa bàn, tạo điều kiện cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.


Đức Minh

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ