A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia Lâm đấu tranh chống địch phá hoại Hiệp định Giơnevơ

 

QPTĐ-Ngày 7/5/1954, quân ta giành toàn thắng ở Điện Biên Phủ, quân và dân Gia Lâm tranh thủ thời cơ, đồng loạt nổi dậy ở nhiều nơi, đánh bốt Phù Dực (Phù Đổng), Thuận Tốn (Đa Tốn), tới đêm 30/5/1954, đánh bốt ga Phú Thụy (Dương Xá). Ở khu du kích Lệ Chi, Kim Sơn, Phú Thị, địch thương vong hơn 150 tên, kinh hoàng khi phải vào vùng du kích. Đặc biệt, trong trận càn các ngày 6,7,8/6/1954 của địch vào làng Linh Quy và Giao Tất (xã Kim Sơn), bộ đội địa phương huyện và du kích xã đã củng cố làng kháng chiến, anh dũng chiến đấu diệt 244 tên (phần lớn là lính Âu-Phi), thu nhiều súng đạn và phương tiện chiến tranh. Chiến công của quân và dân huyện Gia Lâm đã góp phần vào quá trình sụp đổ của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán chấp nhận sự thất bại. Ngày 20/7/1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương. 

 

 

Đội du kích xã Trung Mầu trong kháng chiến chống thực dân Pháp.


Ngày 27/7/1954, lệnh ngừng bắn có hiệu lực, huyện Gia Lâm thuộc khu tập kết 80 ngày của quân Pháp. Địch chuyển hướng hoạt động, lấy trọng tâm là lôi kéo, dụ dỗ đồng bào và binh lính ngụy vào Nam, cướp phá tài sản nhà máy, máy móc, phá hoại sản xuất trước khi rút quân. Chúng tung gián điệp, tay sai phá rối trật tự ở Gia Lâm, cho máy bay thả côn trùng phá hoại sản xuất, phá cống Trung Mầu làm ngập hơn 1.000 mẫu lúa ở Quế Dương, Võ Giàng…


Trước tình hình đó, Huyện ủy Gia Lâm đã kịp thời mở đợt tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức làm cho nhân dân hiểu rõ Hiệp định Giơnevơ, những điều cam kết cụ thể của thực dân Pháp về khu vực và lịch rút quân của chúng; chính sách và chủ trương của Đảng và Chính phủ…để nhân dân nắm bắt, thực hiện. Tại các thôn, làng, ấp ở Trâu Quỳ, Yên Viên…chính quyền kháng chiến lập ra các tổ công tác thực thi các nhiệm vụ. Các bà, các mẹ tập hợp lực lượng kéo lên các đồn bốt đòi chồng con về với gia đình; đấu tranh và giải thoát hàng chục cán bộ, chiến sĩ bị địch giam giữ ở Nhà rượu (nhà tù cạnh dốc cầu Long Biên) định đưa xuống Hải Phòng đi vào miền Nam.


Tại các nhà máy, ta phát động công nhân đấu tranh đòi bọn chủ trả đủ tiền, gạo cho tới ngày quân ta tiếp quản và giữ lại máy móc để sản xuất sau này. Công nhân Nhà máy hỏa xa Gia Lâm đấu tranh thắng lợi, buộc địch phải nhượng bộ và đồng ý để lại máy móc, vật tư và bàn giao cho ta. Những bộ phận phụ tùng chi tiết gọn nhẹ quan trọng được chuyển bí mật ra ngoài cất giấu. Nhân dân các xã Dương Xá, Phú Thị đắp sửa lại đường 18; du kích Trâu Quỳ, Đặng Xá…cử người thường trực tại Quốc lộ 5, đón được gần 700 binh lính ngụy trở về.


Để đảm bảo sản xuất và an toàn cho nhân dân, chính quyền kháng chiến tổ chức đấu tranh đòi binh lính địch ở các đồn phải tháo gỡ mìn xung quanh bốt. Ban CHQS huyện cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích các xã hướng dẫn lực lượng của mình tháo gỡ rào gai, tạo điều kiện cho nhân dân khai hoang, tranh thủ trồng rau màu, thu hoạch nhanh gọn vụ mùa, tiếp tục sản xuất.


Thực hiện Hiệp định Giơnevơ, tại khu vực tập kết 80 ngày, quân Pháp bắt đầu rút quân. Ngày 8/10/1954, quân viễn chinh Pháp thu quân về điểm Dốc Lã, Dốc Vân (Yên Thường). Chiều tối hôm đó, bộ phận vào tiếp quản của quân đội ta đã tới Lệ Mật, Trường Lâm (xã Việt Hưng). 16 giờ 30 phút ngày 9/10/1954, xe chở những tên lính cuối cùng từ Hà Nội đã tập kết ở Gia Lâm. 10 giờ 30 phút ngày 10/10/1954, tại bốt ga Phú Thụy (Dương Xá), khi đoàn quân thất trận của giặc Pháp vừa rút cũng là lúc cờ Tổ quốc tung bay báo hiệu quê hương Gia Lâm sạch bóng quân thù. 


Thắng lợi của nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Gia Lâm đã góp phần quan trọng giải phóng Thủ đô, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bước vào thời kỳ mới: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.


Đỗ Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ