A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Sóc Sơn góp sức lập nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”

 

QPTĐ- Phát huy bài học kinh nghiệm của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, nhân dân và LLVT  huyện Kim Anh và Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) bình tĩnh, khẩn trương bước vào cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai với lòng dũng cảm, trí thông minh và tinh thần sáng tạo. 

 

 

Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 77 do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chỉ huy (người thứ hai, từ phải sang trái)

đã bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B52 trong chiến dịch phòng không tháng 12/1972.         Ảnh: Tư liệu

 

Trước tình hình khẩn cấp, các cơ quan đầu não của huyện và một số ngành dịch vụ, thương nghiệp, lương thực, thực phẩm lại sơ tán về các xã. Huyện Đa Phúc thành lập 14 đại đội dân quân tự vệ, 17 trung đội cơ động, 67 tổ đội hỏa lực. Huyện Kim Anh có 59 trung đội liên hợp, 56 trung đội du kích, 80 trung đội dân quân. Các trung đội cơ động có trang bị hỏa lực mạnh.

 

Các trận địa tên lửa, pháo cao xạ 100mm của bộ đội chủ lực cùng 43 đài quan sát hoạt động tích cực, sẵn sàng giáng trả máy bay địch những đòn đích đáng. Công tác phòng tránh được triển khai khẩn trương. Hai huyện đã sửa chữa được 2.734 hầm gia đình, 14.375 hố cá nhân, trên 6.700m hào giao thông. Các đội cứu thương, cứu sập, cứu hỏa được củng cố. Tất cả bình tĩnh vào trận chiến đấu mới với dự báo sẽ quyết liệt hơn gấp nhiều lần.


Đến cuối tháng 11 năm 1972, đánh giá đúng bản chất cực kỳ phản động và âm mưu xảo quyệt của đế quốc Mỹ, Đảng ta đã giáo dục ý thức đề cao cảnh giác trong nhân dân, chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt để vượt qua những thử thách lớn nhất của chiến tranh. Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, ngày 30/11/1972, Huyện ủy Kim Anh và Đa Phúc tiếp tục lãnh đạo nhân dân sơ tán, tích cực sửa sang hầm hào, công sự trận địa, bổ sung thuốc men, dụng cụ cho các đội cứu thương, cứu sập, giữ vững trật tự trị an, lực lượng dân quân tự vệ luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.


Đúng như dự đoán, lúc 19h15 phút ngày 18/12/1972, máy bay B52 của Mỹ rải thảm 572 quả bom xuống sân bay Nội Bài và các xã phụ cận. Trong trận này, quân ta bắn rơi một chiếc B52. Xác máy bay rơi ở cánh đồng Trời và cánh đồng Bài thuộc xã Phù Lỗ. Khi máy bay nổ, 3 tên giặc lái rơi xuống, trong đó, 2 tên bị chết, 1 tên sống sót nhảy dù xuống xứ đồng Dải. Lúc này, đồng chí Đoàn Chấn, Chủ tịch Ủy ban hành chính cùng đồng chí Đoàn Tấn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã điều động một tổ dân quân nhanh chóng truy bắt được giặc lái.


Những ngày sau đó, giặc Mỹ ném bom dữ dội vào địa bàn. Riêng với huyện Kim Anh, máy bay Mỹ đã ném 4.546 quả bom (ước tính 1.200 tấn), 66 thùng bom bi (tương đương 18.000 quả), 600 quả bom xuyên (bình quân mỗi người dân phải chịu 150kg bom đạn). Chỉ tính trong 3 đêm (từ 27-12 đến 29-12), bom đạn Mỹ đã làm 315 người chết, 81 người bị thương, hủy diệt 863 ngôi nhà...Lực lượng vũ trang huyện phối hợp với các trận địa pháo và không quân ta đã bắn rơi 11 máy bay Mỹ (trong đó có 3 chiếc B52). 


Có thể nói, trong hoàn cảnh đầy khó khăn, thử thách, Đảng bộ và nhân dân 2 huyện Kim Anh và Đa Phúc đã vươn lên, tỏ rõ tư thế chiến thắng của mình, phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chiến đấu, góp phần lập nên chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ vào Hà Nội. Hôm nay, những bia căm thù, đài chiến thắng được xây dựng để ghi nhớ mãi tội ác của kẻ thù và chiến công oanh liệt của quân dân ta ở Phù Lỗ, Tân Dân, Phù Linh, Đức Hòa...để nhắc nhở con cháu  thấy rõ thời kỳ gian khổ và oanh liệt, song cũng đầy hào hùng của lịch sử đấu tranh cách mạng quê hương. 


Hồng Hạnh  (tổng hợp) 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ