A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội sắp có hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp

QPTĐ-Hà Nội vừa đưa ra phương án thí điểm tổ chức làn đường dành riêng cho xe đạp, dọc sông Tô Lịch và vỉa hè quanh công viên Hòa Bình là hai tuyến đường vừa được đề xuất tổ chức dành cho xe đạp, với kinh phí dự kiến gần 10 tỷ đồng, trích từ ngân sách Nhà nước: Tuyến đường dọc sông Tô Lịch kinh phí 970 triệu đồng; tuyến xung quanh Công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo kinh phí 8,8 tỷ đồng.

Dựa trên tình hình thực tại, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã nghiên cứu để xây dựng làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho các phương tiện xe đạp. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho phương tiện, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mong muốn kết nối thí điểm với những hệ thống vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt hay xe đạp công cộng. Từ đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất hai tuyến đường phù hợp để thực hiện thí điểm.

Tuyến đường thứ nhất được đề xuất là dọc bờ sông Tô Lịch (đoạn từ Ngã Tư Sở đi Cầu Giấy). Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mong muốn chuyển tuyến đường dành cho người đi bộ hiện có sang tuyến đường dành cho cả phương tiện xe đạp và người đi bộ. Tuyến đường, với chiều rộng 4m, thí điểm sẽ tổ chức cho xe đạp lưu thông hai chiều với bề rộng 3m và 1m còn lại dành cho người đi bộ.

Tuyến đường thứ hai được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất là đoạn vỉa hè xung quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo (quận Bắc Từ Liêm). Đoạn đường này kéo dài hơn 1,8km với chiều rộng vỉa hè 7m, đây là nơi phù hợp để cải tạo làn đường dành cho xe đạp hai chiều (sẽ kết hợp xây dựng làn dành cho xe đạp với chiều rộng 2m; xe máy và xe thô sơ được di chuyển trong phần đường còn lại rộng 4,5m).

Tuyến đường đi bộ nằm dọc sông Tô Lịch được đề xuất thí điểm làn đường dành cho xe đạp.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề xuất bổ sung 4 trạm xe đạp công cộng bao quanh khu vực công viên Hoà Bình tăng cường kết nối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng lân cận.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, làn dành riêng hoặc ưu tiên cho xe đạp, để xe lưu thông được an toàn, thuận lợi. Tuyến đường được lựa chọn thí điểm sẽ kết nối với các hệ thống vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt, trạm xe đạp công cộng.

Xe đạp là phương tiện giao thông dễ tiếp cận, an toàn, tốt cho sức khỏe của con người và thân thiện với môi trường. Ưu tiên sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông hằng ngày là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp, giúp các Thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh. Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ- hẹp, nên điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ vận tải hành khách khối lớn còn nhiều trở ngại. Xe đạp sẽ là phương tiện trung chuyển và kết nối phù hợp nhất, góp một phần hạn chế xe máy, thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phát thải ra môi trường. 

Theo ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng: Khi chúng ta thực hiện xây dựng làn đường dành cho xe đạp thì ngay từ công tác quy hoạch, chính quyền địa phương, các bộ, ngành phải đưa vào công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch là khởi đầu cho tất cả mọi việc, kể cả đường cho xe đạp để giảm ô nhiễm môi trường cũng như giảm ùn tắc giao thông.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ nhận định: Trong tương lai, khi tỷ lệ người đi xe đạp tăng lên, lượng ô tô và xe máy tham gia giao thông giảm xuống là một điều tốt, rất cần thiết. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, xe đạp công cộng còn tạo nên một sản phẩm du lịch mới cho Thủ đô.

Hà Nội có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang trong quá trình triển khai, nên có rất nhiều cơ hội để bắt đầu phát triển giao thông xe đạp. Hai tuyến đường thí điểm dành riêng cho xe đạp sẽ là một thử nghiệm rất đáng mong đợi đối với người dân, hướng tới hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô.

Khánh Hà

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ