A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội quyết tâm xóa bỏ “mạng nhện” trên các tuyến phố đô thị

QPTĐ- Từ kết quả đạt được trong những năm gần đây, với chủ trương xây dựng thành phố “không dây” an toàn, văn minh, Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị viễn thông, điện lực thực hiện hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực tại các tuyến phố, qua đó hàng loạt “mạng nhện” dây viễn thông, điện lực gây mất mỹ quan đô thị trên nhiều tuyến phố đã dần được thanh thải, xóa bỏ. Đường phố bớt đi hình ảnh "rác trời", trở nên phong quang, khang trang, tạo sự thay đổi diện mạo đô thị rất đáng ghi nhận.

Hà Nội đặt mục tiêu hạ ngầm 100% cáp điện lực, thông tin  tại khu vực phát triển đô thị. 

 Ảnh: Internet

Nhằm phát triển đô thị bền vững, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó, có xây dựng các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và nâng cao chất lượng dịch vụ công ích đô thị góp phần xây dựng cảnh quan Thành phố ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố, đồng thời tập trung huy động các nguồn vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp trong việc hạ ngầm các đường dây, cáp viễn thông, điện lực; tiếp tục tạo mọi điều kiện để các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng công trình phát triển lưới điện, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu giai đoạn 2022-2025, công tác hạ ngầm khi triển khai phải đồng bộ với các kế hoạch khác đảm bảo hiệu quả và khả thi; đề xuất rõ giải pháp thực hiện về cơ chế đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư, cơ chế quản lý, khai thác sau đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các tuyến có quy hoạch và tuyến đủ điều kiện mặt bằng phải đề xuất xây dựng hào, tuy nen kỹ thuật phù hợp với hiện trạng, quy mô từng tuyến đường; lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn từ công tác hạ ngầm đến công tác chỉnh trang tuyến phố, lát hè, bó vỉa đảm bảo đồng bộ, an toàn và hiệu quả.

Theo Kế hoạch, UBND Thành phố đặt ra các chỉ tiêu cụ thể: Ngoài mục tiêu hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới, Hà Nội tiếp tục triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại khoảng 300 tuyến phố. Trong đó, hoàn thành hạ ngầm đồng bộ các đường dây, cáp viễn thông và điện lực treo tại 45 tuyến phố còn lại trong khu vực 4 quận nội đô lịch sử (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng). 

Đối với 8 quận còn lại và thị xã Sơn Tây, Thành phố sẽ xây dựng danh mục tổng thể các tuyến phố hạ ngầm theo quy hoạch; lựa chọn danh mục ưu tiên thực hiện giai đoạn 2022-2025 bằng nhiều nguồn vốn hợp pháp. Đối với các tuyến phố mới, các tuyến đường mới đầu tư xây dựng: Các chủ đầu tư bắt buộc phải xây dựng hệ thống tuy-nen, hào kỹ thuật sử dụng chung cho cấp nước, chiếu sáng, điện lực và thông tin theo quy hoạch và theo quy định.

Về điện lực: Phát triển lưới điện từ vành đai 3 trở vào trung tâm được hạ ngầm toàn bộ; lưới điện từ vành đai 3 đến vành đai 4 ưu tiên phương án hạ ngầm, còn những nơi chưa thể thực hiện hạ ngầm ngay sẽ thực hiện hạ ngầm phù hợp với tốc độ đô thị hóa, hướng tuyến phù hợp với quy hoạch xây dựng. 

Về phương án thực hiện, Hà Nội tiếp tục huy động các doanh nghiệp viễn thông, điện lực, nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung để hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông theo Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND Thành phố và các doanh nghiệp (Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn FPT, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Công ty cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xây dựng đô thị Hà Nội, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist, Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội) về đầu tư trong lĩnh vực viễn thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025 và văn bản của Tổng công ty Điện lực Hà Nội về việc bố trí nguồn vốn thực hiện hạ ngầm đồng bộ.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai công tác xã hội hóa xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, đảm bảo hạ ngầm đồng bộ đường dây, cáp viễn thông, điện lực; tổng hợp tình hình triển khai và tháo gỡ khó khăn trong công tác xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trên địa bàn Thành phố. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành Thành phố liên quan điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Văn Thể

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ