A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gặp người phi công lái MiG 21 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không

 

QPTĐ- “Điện Biên Phủ trên không” là trận quyết chiến có ý nghĩa chiến lược và là thử thách chưa từng có trong lịch sử; mãi mãi trở thành dấu son chói lọi trong truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chính bởi ý nghĩa lớn lao như vậy mà dù đã 45 năm trôi qua, ký ức về những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ nhưng oanh liệt trong tâm trí của Đại tá Nguyễn Hùng Thông, phi công lái MiG 21, Trung đoàn 927, Sư đoàn 371 vẫn không hề phai mờ.

 

 

CCB-Đại tá Nguyễn Hùng Thông. 

 

Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hoá, khi đang học lớp 9, Đoàn tuyển sinh phi công đã đến trường tuyển chọn khoảng 10 người có chiều cao và sức khoẻ (trong đó có ông), đưa ra điểm tập kết, khám tuyển vòng 1, 2, 3. Khoảng 5 tháng sau có kết quả chính thức, Nguyễn Hùng Thông đã trúng tuyển. Nhập ngũ tháng 10-1965, sau hai năm luyện tập và bồi dưỡng sức khoẻ tại Trường Dự khoá bay, năm 1967, ông Thông được sang Liên Xô học.

 

 

Phi đội máy bay MiG 21 giải lao sau giờ tập.                                 Ảnh: Tư liệu


Cũng tại đây, ông đã gặp một thầy-người đã gắn bó và giúp đỡ ông rất nhiều trong suốt 4 năm học. Ông nhớ lại: “Sau thời gian luyện tập, Thầy nhận tôi lên MiG 21. Thông thường học viên bay 23 chuyến nhưng tôi mới đến chuyến thứ 9, thầy đã yêu cầu kiểm tra đơn. Thực lòng mới đầu tôi rất sợ và nghĩ thầy cầm lái nhưng ông yêu cầu tôi tự bay và chỉ kèm chuyến đầu.

 

Do là máy bay chiến đấu, thông thường chỉ cần tốc độ 290-300 là hạ cánh nhưng hôm đó tôi quên ấn nút thả dù nên tốc độ lên tới 340 nhưng máy bay vẫn chìm xuống, tôi đành phải tăng hai vòng bay sau đó mới hạ cánh. Khi thầy giáo hỏi: Cậu có biết khuyết điểm là gì không? Tôi chỉ biết rằng có vấn đề nhưng chính xác là gì thì tôi không chắc. Đó cũng chính là bài học về sự tỉ mỉ, nắm chắc kỹ thuật của tôi trong suốt chặng đường bay sau này.


Kết thúc khóa học, về đơn vị, do điều kiện thực tiễn lúc bấy giờ, thời gian đầu chúng tôi vừa là phi công, vừa làm công nhân xây dựng. Hơn 1 năm sau, chúng tôi bắt đầu bay và tham gia chiến đấu. 


Thời điểm năm 1972, tình hình rất ác liệt, khi ấy tôi ở Trung đoàn 927, Sư đoàn 371. Nhiệm vụ của đơn vị là bảo vệ bầu trời phía Bắc, trong đó có Hà Nội, phạm vi từ Nghệ An trở ra. Trong thời gian 12 ngày đêm, chúng tôi thường bay cơ động, “bay ngày khí tượng phức tạp-giản đơn; bay đêm khí tượng phức tạp-giản đơn”, tức là có thể nhìn mây, gió để hình dung đường bay; trường hợp không nhìn thấy bằng mắt thường thì theo đồng hồ. Tại sao lại phải như vậy, tôi cần nhấn mạnh thế này, khi B52 đánh vào Hà Nội, chúng chủ yếu tập kết vào ban đêm nên ta cần làm chủ được đường bay ban đêm. Hơn nữa, chúng thường đánh mục tiêu của ta ở độ cao trên 10km, hoàn toàn trên mây nên ta cũng phải có phương án phù hợp. Một điều nữa, muốn đánh được nó phải tập theo bài của nó. Vì vậy mà chúng tôi thường giả làm B52, cho một tốp bay trước, giả làm mục tiêu, bay khoảng 10-15 phút trên mây, theo hai kênh khác nhau (kênh mục tiêu-kênh dẫn, chặn).


Hàng ngày, chúng tôi dậy vào lúc 3 giờ 30, sau đó cơ động khoảng 1,5 km ra máy bay. Ngày nắng không sao nhưng ngày mưa gió, chúng tôi phải vắt giầy lên vai để ra vị trí. Chiều 16 giờ 30 ăn xong, chúng tôi lại trang phục, vũ khí chỉnh tề, khi có báo động, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Khoảng 17 giờ 30 đến 18 giờ, Sở Chỉ huy báo ban thì được bay tự do. Các đơn vị hiện nay bay trung bình 25giờ/năm nhưng thời điểm đó, tôi bay tới 160 giờ/năm.


B52 vào Hà Nội, chúng thường bắn tên lửa nhiễu, gồm hai loại tích cực và tiêu cực (một loại nhiễu sóng điện từ và một loại nhiễu la bàn). Khi có nhiễu, bật ra đa lên rất khó phân biệt máy bay địch-ta, do đó chúng tôi thường sử dụng dẫn mắt bằng cự ly gần. Đơn vị lúc đó hoạt động ở nhiều sân bay, Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Xuân Thiều là một trong những người bắn rơi B52 đầu tiên của Trung đoàn. Chúng tôi chủ yếu cơ động tại Vinh, Thọ Xuân; Sở Chỉ huy dẫn, còn anh em là người đi đánh. Riêng Đại đội 3, Trung đoàn 927 có tới 3 lần được nhận danh hiệu Anh hùng, trong đó có 8 cá nhân Anh hùng.


Kết thúc Chiến dịch, đơn vị của ông tiếp tục cơ động vào Thọ Xuân, Vinh, rồi lại ra Hà Nội và vào Sài Gòn bảo vệ vùng trời phía Nam trong suốt Chiến dịch mùa Xuân năm 1975. Năm 1985, do điều kiện sức khoẻ, ông Thông chuyển loại về làm giáo viên, rồi cán bộ Khoa, Phó ban Tham mưu Học viện Phòng không-Không quân. Sau 39 năm công tác, năm 2004, ông nghỉ hưu tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. Nghỉ hưu nhưng chưa nghỉ việc, ông tiếp tục tham gia công tác ở địa phương, làm Uỷ viên Ban chấp hành Hội CCB phường, Trưởng ban Mặt trận Khu dân cư,  Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 3, phụ trách mảng vay vốn Ngân hàng cho hội viên CCB…


Nói về ông, Chủ tịch Hội CCB phường Khương Trung Nguyễn Thành Đô cho biết: Đồng chí Nguyễn Hùng Thông là người rất tích cực, luôn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; sống vui, sống khoẻ, sống có ích, giáo dục con cháu trưởng thành.


Hiền Mĩ
(Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Hùng Thông) 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ