A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ về 12 ngày đêm chiến đấu

 

QPTĐ- Đã 45 năm trôi qua nhưng ký ức của người Hà Nội vẫn không thể nào quên sự kiện của tháng 12 năm ấy: B52 rải thảm tại Hà Nội, máu rơi, nhà đổ, biết bao hy sinh nhưng lòng người vẫn luôn vững vàng. Và ký ức của những người đi qua năm tháng ấy luôn là những tư liệu lịch sử quý, có giá trị chân thực nhất. Bên tách trà và câu chuyện với đồng đội, câu chuyện về 12 ngày đêm của cựu chiến binh (CCB) Trung tá Trần Đình Cáp, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân dần trở về.

 

 

CCB Trần Đình Cáp (người ngồi bên phải) kể về những kỷ niệm kháng chiến.

 

Sinh ra và lớn lên tại Phú Thọ, tốt nghiệp Kinh tế Quốc dân, đang công tác ở Bộ Công thương nhưng nghe theo tiếng gọi của non sông, ông Trần Đình Cáp lên đường nhập ngũ, vào đơn vị 325. Đơn vị tập kết tại Thanh Hoá, luyện tập chuẩn bị đi B thì được lệnh của trên quay trở ra Hà Nội, về Quân chủng Phòng không-Không quân, biên chế tại Đại đội 194, Trung đoàn 260, Sư đoàn Phòng không Hà Nội (Sư đoàn361). Sau Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, cuối năm 1972, ông chuyển về công tác tại Phòng Tài chính, Cục Hậu cần, Quân chủng. Năm 1977, ông công tác tại Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng. Năm 1992, ông chuyển ngành về Cục Thuế Hà Nội và năm 2007 về nghỉ hưu.


Ông bồi hồi: “Năm 1972, tôi là Trắc thủ số 2, góc tà (cung cấp thông tin góc tà cho máy chỉ huy), Pháo phòng không 57mm. Đơn vị có nhiệm vụ: Bảo vệ mục tiêu Sân bay Nội Bài và yểm trợ cho máy bay của ta lên và hạ cánh. Vì là pháo phòng không 57mm (không phải tầm xa) nên yêu cầu đặt ra cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phải giỏi về nhận dạng bằng mắt thường giữa máy bay ta-địch, có thể yểm trợ an toàn cho ta khi hạ cánh, bị địch bám đuôi.

 

Tôi nhớ, trong lần đầu tiên địch đánh vào Hà Nội, khi ấy khoảng hơn 20 giờ tối, ngay sau báo động 1 lúc, thì ta bắt được mục tiêu nhưng nhiễu đầy trời, trên thông báo, có B52 vào. Đặc điểm của pháo 57mm không thể với tới B52 mà chỉ bắn được các mục tiêu ở đúng tầm nhưng khi ra đa bắt được mục tiêu, truyền thông số sang máy chỉ huy, máy chỉ huy sau khi lập trình phương vị, góc tà, cự ly…, lập tức điều khiển bắn tự động. Chúng tôi được lệnh dựng bàn đạn, tất cả các cỡ súng đều hướng mục tiêu, bắn lên trời.

 

Phải nhấn mạnh một chút, tại sao pháo của chúng tôi, rồi 37, 23 mm mặc dù không với tới B52 nhưng vẫn bắn, bởi vì ta muốn tạo lưới lửa phòng không, vừa bắn các máy bay hộ tống B52 (máy bay cường kích chiến thuật, máy bay gây nhiễu...), vừa uy hiếp tinh thần địch. Trong lần đó, mặc dù B52 thả bom nhưng rất may sân bay không tổn thất và không trận địa nào của ta bị trúng đạn…


Tôi tham gia suốt 12 ngày đêm chiến đấu tại Hà Nội, ụ pháo của chúng tôi được bố trí ở ngã ba Thạch Lỗi, Kim Anh. Mặc dù trận chiến rất ác liệt nhưng phải khẳng định, bộ đội chiến đấu tại Thủ đô khi ấy được chăm sóc rất chu đáo. Ngoài tiêu chuẩn ăn bình thường là 6,8 hào, chúng tôi còn được cung cấp thêm 3 hào/ngày.


Thông thường, buổi sáng, đơn vị dậy sớm làm công tác chuẩn bị chiến đấu, kiểm tra lại súng pháo, máy móc, lấy lại thăng bằng, xác định phương vị, kiểm tra các bộ phận, khi phát hiện hư hỏng (ngoài tầm kiểm soát) nhanh chóng báo cáo trên sửa chữa. Sau khi làm công tác chuẩn bị, anh em về làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng, thực hiện các chế độ trong ngày, chỉ khi có báo động cấp 1 thì tất cả đều để lại công việc, vào vị trí chiến đấu”.


Có thể nói, trong suốt 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", mặc dù không bắn hạ trực tiếp B52, nhưng ông cùng quân và dân Hà Nội đã tạo nên lưới lửa phòng không dày đặc, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật khác. Thắng lợi ấy đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Nghệ thuật tác chiến phòng không hiệp đồng chiến đấu, quân binh chủng của bộ đội ta đã chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân mà nòng cốt là bộ đội Phòng không-Không quân. 


Nói về Cựu chiến binh Trần Đình Cáp, ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Hội CCB phường Khương Trung khẳng định: Từ môi trường quân đội chuyển qua công tác tại bên ngoài một thời gian dài nhưng đồng chí Cáp vẫn luôn giữ được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trở về địa phương luôn gương mẫu trong thực hiện chế độ, quy định của Nhà nước, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định ở khu dân cư. Đồng chí là hội viên Hội CCB gương mẫu, gia đình nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, có năm là Gia đình văn hoá tiêu biểu của khu dân cư số 14.


    Hiền Mĩ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ